MÙA đông Copenhaghen đón hai mẹ con chúng tôi không thân thiện lắm. Trời mưa liên miên, nhiệt độ âm, và đáng sợ nhất là gió. Trên đường từ hostel ra ga trung tâm, con trai tôi gần như phải chạy mới di chuyển được ngược chiều gió. Cậu nhỏ thậm chí đã sợ hãi, khi gió mạnh đến nỗi gần như có thể thổi bay nó.
Trong thoáng chốc, tôi tự dằn vặt mình vì đã "lôi" con đến đây. Giá rét bao phủ, và dường như không có gì để trải nghiệm. Nhưng, kết thúc chuyến backpacking đầu tiên của hai mẹ con ấy, tôi lại nhận được lời đề nghị: "Hãy quay lại Đan Mạch thường xuyên mẹ nhé".
Con trai tám tuổi của tôi đã có một ý niệm khác về du lịch, cũng như sự kết nối giữa những người xa lạ từ khắp nơi trên thế giới. Ở thời điểm đó, chúng tôi đã cùng nhau đi qua 11 quốc gia. Tuy nhiên, con tôi mới chỉ sinh hoạt ở khách sạn hay resort, biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Ở Đan Mạch, lần đầu con ở hostel (với không gian sinh hoạt chung cùng những du khách khác) hay couchsurfing (đến ở nhờ người bản địa).
GƯỜI ta thường nghĩ rằng khi có con rồi, những chuyến phiêu lưu khám phá sẽ không còn. Điều này xa lạ với tôi. Nghỉ dưỡng khác với du lịch, cũng như traveller khác với tourist. Tôi không muốn con mình sống trong một cái bong bóng ảo ảnh về xã hội, và tôi tin ai cũng mong lớn lên trở thành người lịch duyệt, dạn dày. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi muốn con tôi hiện diện trong những cuộc hành trình của tôi, với tư cách một người bạn đồng hành.
Hãy nhớ lại thời thơ ấu, thời niên thiếu của chúng ta. Bạn hẳn cũng từng nhiều lần mong mỏi được đi chơi cùng bạn bè của bố mẹ hay anh chị mình. Niềm vui và sự tự tin đến tự nhiên, khi đứa trẻ cảm thấy mình có giá trị, khi ý kiến hay sự hiện diện của mình quan trọng với người lớn. Gabor Mate, nhà tâm lý học nổi tiếng, viết cả cuốn sách "Hold on to your kids" chỉ để chỉ ra tầm quan trọng của việc bố mẹ nên là người bạn thân nhất của con, thay vì chính bạn bè chúng.
CHUYẾN đi Đan Mạch trở thành nền tảng, để tôi tự tin cùng con trai đi backpacking tới ba quốc gia khác: Áo, Slovakia và Czech, chỉ một tháng sau đó. Chúng tôi di chuyển hoàn toàn bằng đường sắt, lịch trình không cố định, đi tới đâu tính tới đó, khi thì thuê hostel, khi thì couchsurfing. Chúng tôi thăm thú những bảo tàng hay lăng mộ những nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Wien, lang thang trên những cây cầu lộng gió ở Prague, và dạt về ngoại ô Bratislava vào một ngày trời mưa tầm tã.
Không phải khu vui chơi hấp dẫn ở Wien, cũng không phải những kiến trúc Phục Hưng đẹp đẽ ở Czech, con trai tôi thích nhất buổi chiều mưa hôm đó. Chiều ngoại ô Bratislava thưa thớt bóng người, chỉ có rừng cây, đàn gia súc trong khu vườn đi ngang qua, và đoạn đường đồi dốc dẫn tới lâu đài cổ Devin. Niềm vui dung dị bật lên từ những cành cây khô, những viên đá có hình thù đặc biệt nhặt được hai bên bìa rừng.
Mưa nặng hạt, mà hai mẹ con đều không mang ô hay áo mưa, nhưng không một lần con tôi than thở. Cậu nhóc chỉ cười: "Mưa tí này có đáng gì đâu hả mẹ!". Khi lên tới đỉnh đồi, nhìn thấy tàn tích của lâu đài Devin vẫn vẹn nguyên vẻ hùng vĩ, bi tráng, ngó xuống ngã ba sông Danube- Marova vẫn xanh thẳm, người bạn đường tám tuổi của tôi còn gấp gáp muốn leo cao hơn nữa, tới tận chóp lâu đài.
Tôi chỉ có thể cảm ơn con trai mình, vì đã là một người bạn đồng hành tuyệt vời.