Chén trà trên đỉnh A Pa Chải

Ngày hôm đó, chúng tôi quyết leo lên đỉnh Khoang La San ngạo nghễ của đỉnh A Pa Chải, mặc kệ mưa rừng rát mặt. Và rồi, hai gã liều mạng được tưởng thưởng bằng một tuần trà đầy ân sủng trong mây hồng...
0:00 / 0:00
0:00
Giữa mây ngàn gió núi, chén trà này như được uống trong tiên cảnh bồng lai.
Giữa mây ngàn gió núi, chén trà này như được uống trong tiên cảnh bồng lai.

Tháng 9 chầm chậm qua, Mường Nhé vẫn tơi bời sau mưa lũ. Những vết thương của núi rừng bị xé toạc còn đỏ bầm dưới nền trời xanh ngắt. Con đường từ Mường Nhé vào A Pa Chải chỉ gần 90 km nhưng phải đi mất gần năm giờ đồng hồ, vì sạt lở.

Mưa từ đêm đến sáng, may quá đến khoảng hơn 11 giờ thì ngớt, đúng như câu “Mưa chẳng quá Ngọ, gió chẳng quá Mùi”, đủ để thôi thúc hành trình chinh phục điểm cực tây của Tổ quốc. Chúng tôi ghé vào đồn biên phòng A Pa Chải, nhờ được một chiến sĩ dẫn đường, cho an tâm. Dừng xe ở chân núi Khoang La San, chúng tôi đi đến vách núi, quăng một cuộn dây để leo đến đường mòn nối đỉnh.

Con đường mòn hẹp chỉ đủ một người đi, dưới nhão nhoét bùn, trên rát mặt cành cây trĩu nước. Không gian tối tăm, ẩm ướt, thỉnh thoảng lại có ngách cụt của dân địa phương mở, nếu không có người lính trẻ hướng đạo thì rất dễ lạc đường. Đường đi cứ thế dốc lên, dốc đến tắc thở.

Hành trình leo lên điểm cực Tây A Pa Chải rõ ràng cũng là một cuộc thử thách bản thân. Không có đi xuống, không có đi ngang, chỉ có đi lên, nghĩa là không cho chỗ cho sự chùn lòng và nghi ngại, trong suốt hành trình dài ba cây số ấy.

Để rồi sau gần hai giờ đồng hồ cắm cúi ngược dốc, điểm cực

Tây A Pa Chải hiện ra ở độ cao 1.864 mét so mực nước biển, trên đỉnh Khoang La San. Một thiên đường vụt mở trước mắt hành nhân. Một nền trời xanh như ngọc, rót luồng ánh sáng vàng óng bao bọc và thấm đẫm khắp tâm thân.

Ở đây, bầu trời gần lắm, tưởng như giơ tay là với được. Những mảnh mây trắng như lụa xé phấp phới bay dưới chân người tạo nên ảo ảnh vân du. Ở đây, trong vài khoảnh khắc, ta ngỡ mình thoát xác để thành tiên, khi đứng một chỗ mà thấy được rừng núi của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phong Xa Lỳ (Lào), và cả Mường Nhé (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu).

Một nền bằng phẳng lát đá hoa cương, ở giữa sừng sững cột mốc biên giới ba mặt, mỗi mặt ghi một văn bản địa lý bằng một trong ba ngôn ngữ tương ứng. Đây, ngã ba biên giới, nơi một con gà của bản A Pa Chải (xã Sín Thầu) gáy là người dân ba nước cùng nghe chung.

Chén trà trên đỉnh A Pa Chải ảnh 1
Hành trình khó khăn được đáp đền bằng một trải nghiệm độc nhất vô nhị.

ĐỂ yên cho anh lính biên phòng người Hà Nhì nằm khoan khoái dưới ánh nắng chiều, chúng tôi mở ba-lô lấy bình thủy, ấm chén và trà ra pha. Mùi trà Phổ Nhĩ chín thơm lừng, nhẹ bay bảng lảng. Tình cờ, bên kia biên giới là vùng làm trà Phổ Nhĩ của tỉnh Vân Nam.

Chúng tôi ngồi trên bệ đá hoa cương, tay cầm chén trà, ngắm sắc trà nâu đỏ ấm áp, nghe hương mật ong, quả rừng chín lan toả, tiêu sái, lâng lâng. Mây trắng từ đâu ùa về, gặp ánh nắng chiều bỗng hồng lên ảo mị, bao bọc lấy đám lữ khách đang hân hoan thưởng trà giữa cảnh bồng lai.

Biết bao giờ lại có được một cuộc trà chiều vô song như thế, giữa gió núi mây ngàn trên đỉnh cực tây!...