Câu chuyện của dòng thác

Hai chị em, nàng Bẳng và nàng Mương, là những người con gái Thái nổi tiếng tài sắc, đã dạy dân Mường Mây phát nương trồng bông, dệt vải thêu khăn, thổi khèn múa xòe,… Nhưng cũng vì tài sắc ấy, nhà vua sai quân lính bắt họ về làm vợ. Nàng Mương gieo mình xuống sông Đà, trên đường về kinh đô. Nàng Bẳng gieo mình trên thác gần quê nhà. Bây giờ, ngọn thác ở đầu nguồn suối Tân (Vân Hồ, Sơn La) gọi là thác Nàng tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện của dòng thác

Cách ngọn thác không xa là đền thờ nàng Bẳng nàng Mương, nơi người dân Chiềng Khoa ngày nay tổ chức lễ hội hoa ban vào mùa hoa nở mỗi năm. Truyền thuyết về Hai bà Chúa Nàng vẫn còn sống mãi.

Nhưng đấy là chuyện người ta phải "Google". Thác Nàng tiên bây giờ vẫn lộng lẫy giữa hoang sơ. Bao nhiêu người đi du lịch qua Sơn La vẫn ghé thăm nơi đó, chụp những bức ảnh long lanh mang về. Nhưng ở đó, có thể họ sẽ không được kể cho nghe câu chuyện về dòng thác.

Ngọn thác cách quốc lộ 6 không xa. Đi qua trung tâm xã Chiềng Khoa chỉ một quãng, sẽ thấy một đoàn xe ôm đứng chờ. Để vào thác, phải đi qua một con dốc dựng đứng và một quãng đường nhỏ quanh co. Xe hơi không vào được. Ngay cả những tay chơi mô-tô đã đến được Vân Hồ từ Hà Nội cũng có thể thấy tự ti vì bộ phanh trên xe mình, khi đứng trước cái dốc ấy. Với dân địa phương, đó không phải là vấn đề. Họ chỉ xin mấy mươi nghìn đồng để đưa khách vào thác.

Bạn vui vẻ gửi tiền các bác xe ôm, và ôm chặt lấy họ theo nghĩa đen. Rồi dòng thác hiện ra, qua vài chái nhà sàn bán đồ ăn và cho thuê quần áo dân tộc. Bạn sẽ cảm thấy may mắn vì hoạt động thương mại chỉ có thế. Du khách phần nhiều đã quen với những điểm du lịch xô bồ, đầy người, đầy lời mời chào và đầy xi-măng. Nhưng ở đây, dòng nước vẫn trong vắt chảy qua những phiến đá ít bước chân người. Phía trên cao, dòng thác Nàng tiên như tấm vải bông mới dệt, trắng muốt, chờ hai nàng nhuộm chàm nhuộm nâu.

Thác chia làm mấy tầng. Mỗi tầng lại là một lần dòng nước đổ xuống những cái hồ nhỏ xanh như ngọc. Và mỗi tầng, thiên nhiên lại khiến lữ khách vỡ òa. Trên tầng cao nhất, bạn tưởng mình đang đứng giữa một thước phim quảng bá du lịch Việt Nam. Những dải thác giữa vách đá xanh cao vút mầu rêu cỏ, những tán cây rừng cổ thụ uy nghiêm phía trên cao, và những đàn cá nhỏ bơi dưới dòng nước chân thác, dòng nước trong như tâm hồn người thiếu nữ.

Bạn hỏi bác lái xe đưa mình quay trở lại đầu dốc, rằng đường thế này, thì bao lâu anh phải thay nhông xích một lần? Cũng bình thường, không hại xe lắm đâu, anh trả lời, sáu tháng mới phải thay một lần. À, bạn nghĩ, có những vùng đất mà sáu tháng thay nhông xích một lần đã là lâu. Rồi dòng suy nghĩ bị cắt ngang khi bạn cảm nhận được cái xe 110 phân khối gồng lên, gần như nghiến răng cùng với chủ nhân, để leo nốt đoạn dốc đưa bạn về lại quãng đường bằng.

Rồi trong bạn bỗng bâng khuâng. Rằng có phải cái đẹp phải gắn với sự hoang sơ; và rồi sự hoang sơ lại phải gắn với cái nghèo? Có thứ gì để vùng đất này trao cho du khách, ngoài vẻ đẹp hoang sơ, những chuyến xe ôm và tấm vé vào cửa "mấy chục bạc", cùng việc cho thuê những bộ quần áo dân tộc để chụp ảnh trên thác không?

Bạn chợt nhớ ra rằng dòng thác này có một câu chuyện sâu thẳm. Nó không được kể ở bất kỳ đâu. Không có tấm biển nào. Không có tấm biển nào để kể cho du khách câu chuyện về nơi họ đang đặt chân, đó là vấn đề của hầu như mọi điểm du lịch trên đất nước này. Và người dân ở đây chắc cũng chưa hiểu được cái "giá trị gia tăng" phức tạp mà một câu chuyện có thể mang lại cho sản phẩm. Thậm chí, những gì họ đang bán trông còn chưa ra hình các sản phẩm du lịch.

Bạn lại miên man suy nghĩ. Nếu có một tấm biển thì sao? Nếu không chỉ có một tấm biển thì sao? Câu chuyện ấy chứa trong mình cả lịch sử của vùng đất, của những con người đi khai hoang và biết trân trọng những kỹ nghệ tổ tiên để lại, khi họ thờ phụng người đã dạy mình trồng bông dệt vải. Nó kể về những người phụ nữ quyết không khuất phục cường quyền phi lý. Nó gắn vẻ đẹp của tâm hồn con người với vẻ đẹp của thiên nhiên, như truyền thống của những cư dân vùng đất này.

Máu doanh nhân của bạn nổi lên. Nếu ở đó có những tấm vải dệt đẹp được thêu, hay được nhuộm và vẽ sáp ong theo đúng câu chuyện của ngọn thác? Mà không, phải có cả những búp bê nhỏ khắc đơn sơ bằng gỗ đào, gỗ mận, loại gỗ mềm và độc đáo của vùng đất này, theo chủ đề "nàng Tiên". Liệu có thể làm gì nhiều hơn những cuốc xe kia, để ngay cả du khách cũng cảm thấy hạnh phúc hơn? Để họ mang được một phần ký ức về khung cảnh huyền hoặc này, về quê nhà.

Chiếc xe ôm lên đến đỉnh dốc. Bạn leo trở lại lên ô-tô cùng người thân. Ai đó hỏi, "Trưa ăn gì ấy nhỉ?". Bạn lại cắm cúi mở điện thoại để tìm cửa hàng bê chao hoặc cá suối xịn nhất vùng. Bạn chỉ nghĩ vẩn vơ thế. Còn điều đáng kể nhất bạn dám hy vọng, là lần sau quay lại ngọn thác này, sẽ không thấy trẻ con bán hàng rong hay thêm những trụ bê-tông quán hàng…