Như một mảnh thiên đường

Lần trở lại London này, tôi quyết tìm bằng được một hiệu sách, mà theo mô tả của tờ The New York Times: Nếu bạn đã đến nhà ga Ngã tư Vua (King’s Cross) rồi mà chẳng hề biết rằng ra khỏi ga rẽ tay phải vài bước là British Library, còn rẽ tay trái là đường đến kênh đào Regent mộng mơ có hiệu sách Word On The Water độc nhất vô nhị, thì chuyến đi của bạn thật phí hoài.
0:00 / 0:00
0:00
Bạn sẽ phải rất cẩn thận khi di chuyển bên trong hiệu sách đặc biệt này.
Bạn sẽ phải rất cẩn thận khi di chuyển bên trong hiệu sách đặc biệt này.

NÀO, ra khỏi ga King’s Cross và rẽ trái. Bảy phút đi bộ, với tốc độ trung bình, và khoảng 10 phút, trong trường hợp bạn muốn thư thả ngắm nhìn cảnh sắc.

Dọc kênh, những con thuyền cũ đỗ rải rác. Tôi thậm chí đã nhầm hiệu sách mà mình đang tìm kiếm là một nhà thuyền trồng đầy hoa. Nhưng đó chính là hiệu sách lừng danh của bộ ba Paddy Screech - một cựu sinh viên Oxford ngành Văn học Anh, Jonathan Privett - một thạc sĩ Văn học Mỹ kiêm bán sách ngoài ở các ga tàu điện ngầm của London và Stephane Chaudat - một nghệ sĩ Pháp.

16 năm trước, Paddy neo thuyền cạnh thuyền của Jonathan ở công viên Springfield và họ khám phá ra rằng cả hai cùng yêu văn chương, sách vở biết bao. Jonathan trong quãng thời gian đó có một gian hàng sách nhỏ tại chợ Archway và đặt tên nó là Word on the Street. Có thể dễ dàng hình dung vì sao sau này, hiệu sách của họ có tên là Word On The Water. Năm 2011, người cuối cùng của bộ ba xuất hiện - Stephane Chaudat. Anh không mang đến gì ngoài tiền đầu tư và một chiếc sà-lan cũ của Hà Lan từ những năm 20 thế kỷ trước. Thế là, London có một hiệu sách nổi trên sông.

Paddy và Jonathan đích thân tuyển lựa bộ sưu tập dựa trên nguyên tắc duy nhất: Ai cũng có thể tìm thấy một mảnh nào đó của mình trong hiệu sách này. Và, thật ra thì, khi nào bạn mới có cơ hội đọc Austen trên một chiếc sà-lan cũ ấm sực, với lò sưởi đốt củi, khi ngoài trời đổ mưa tầm tã?

BUỔI chiều khi tôi tìm thấy Word On The Water, trời London không mưa mà xanh ngắt đầy nắng gió. Không hiểu trời mưa thì chủ thuyền cất sách kiểu gì nhỉ? Paddy, một tay xách chồng sách đã được chằng buộc cẩn thận, một tay khua khua lên trời: “Tôi phải học cách đọc thời tiết bằng cách nhìn trời. “Thủ công” vậy đấy!”.

Bảy năm đầu, Word On The Water sống một “cuộc đời” sóng gió. Đầu tiên, luật không cho phép họ neo đậu cố định ở một điểm quá hai tuần. Thế là, họ phải lái thuyền vào nửa đêm để di chuyển đến chỗ mới, sắp đặt lại mọi thứ vào lúc 4 giờ sáng và mở cửa vào 12 giờ trưa. Paddy và Jonathan thấy mình không khác gì dân du mục, mỗi tội là họ phải di cư trên kênh đào. Họ neo đậu cạnh ga Paddington trong tuyệt vọng, rồi nhận giấy phạt cùng thông báo trục xuất. Như mọi kịch bản cổ tích phổ biến của thế kỷ 21, độc giả online của hiệu sách đáp lời kêu cứu của Paddy trên mạng xã hội bằng hơn 6.000 chữ ký vào đơn thỉnh nguyện, để Word On The Water được neo đậu lâu dài gần quảng trường Granary ngay sau ga King’s Cross. The New York Times rút tít, gọi câu chuyện vượt khó này là chuyện David và Goliath.

Bên trong Word On The Water, bạn sẽ phải chú ý, rất chú ý, thật sự chú ý nếu không muốn va đầu vào xà ngang. Bạn sẽ ước gì người bạn thu nhỏ còn một nửa để không chạm vào ai. Hoặc bạn sẽ đột nhiên phải ghìm hai chân mình xuống sàn khi một chiếc thuyền nào khác đi qua và làm hiệu sách của bạn chòng chành. Ta sẽ thích nghi rất nhanh với việc khi đang mải đọc một cuốn nào đó, dăm cuốn khác sẽ rơi từ trên kệ cao lộp bộp xuống sàn.

Trên nóc sà-lan, Paddy và Jonathan dành chỗ cho một sân khấu nhỏ. Những buổi chiều trời không mưa, các nghệ sĩ sẽ đến đây chơi nhạc Jazz, World music hay Folk music. Và bên bờ kè, khách ngồi nghe nhạc, đọc sách, như thể mọi nhọc nhằn đã được vận chuyển về một tinh cầu khác.

Paddy nói: “Kế hoạch của chúng tôi là mua thêm một sà-lan nữa để làm nơi giới thiệu sách. Nhưng kế hoạch lâu dài vẫn là bằng mọi giá giữ cho Word On The Water sống, ít nhất là đến khi bọn tôi chết”. Khi ấy, tôi đang mở một trang trong cuốn Remembering của Sinead O’Connor. Cô ấy viết: “Tôi tự hỏi, trên thiên đường, họ có sáng tác nhạc không?”. Và thế là tôi buột miệng: “Này, anh biết không, tôi nghĩ là trên thiên đường có cả hiệu sách đấy”…