Giữa mây núi Tả Ló San

Anh Bộ đội Biên phòng đồn Sen Thượng nhẩm tính: Từ đồn biên phòng xuống trung tâm xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là 20 cây số, từ đồn Sen Thượng lên bản Tả Ló San là 25 cây số. Đi từ đầu xã đến cuối xã cũng gần 50 cây số, tổng diện tích 17.000 ha.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Pờ Xuân Chừ, một người dân Tả Ló San tình nguyện xây lán giữ nương, giữ mốc, giữ đường biên, giữ dòng suối quê nhà...
Ông Pờ Xuân Chừ, một người dân Tả Ló San tình nguyện xây lán giữ nương, giữ mốc, giữ đường biên, giữ dòng suối quê nhà...

CON đường tuần tra biên giới của đồn Sen Thượng qua các điểm mốc 8 đến 16 (3) chạy dọc theo suối Tả Ló. Suối quanh co thế nào thì đường uốn lượn như thế, nhưng đường dốc và trơn. 25 km tưởng gần, mà cũng mất gần hai giờ đồng hồ mới tới, vì đúng ngày mưa. Anh bộ đội bảo để anh tập trung lái xe, đường vừa mưa trơn, không cẩn thận là “xuống dệ”.

Tả Ló San trên cao, xen giữa những ngôi nhà mái tranh vách đất ọp ẹp đã thấy vài căn nhà gỗ mới tinh, lợp mái tôn khang trang. Bao quanh Tả Ló San là cả một hệ thống rừng nguyên sinh trù phú, những mảnh rừng do người Hà Nhì gìn giữ qua nhiều năm tháng. Người Hà Nhì Tả Ló San sống dựa vào rừng, ngôi nhà gần nhất cách bìa rừng chỉ vài trăm mét.

Tả Ló San, như người Hà Nhì ở đây bảo, là vùng đất hình quả trám. Đúng như tên gọi, bản nằm ở vị trí cao nhất huyện Mường Nhé, là mũi chóp cực bắc của tỉnh Điện Biên, sát biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi mà đồng bào Hà Nhì lập làng lập đất từ “không biết bao nhiêu đời nay mà kể”. Dân Tả Ló San cuối những năm 70 thế kỷ trước phải chạy loạn, sơ tán khắp nơi, mỗi năm, nhớ nhà cũng chỉ dám về vài ba tháng rồi lại đi. Nhưng chẳng đâu bằng nhà mình, con chim bay mãi rồi lại tìm về tổ, những năm cuối thập niên 90, biên giới yên ổn, người Tả Ló San lại lần lượt tìm lại nền nhà cũ, về lại làng cũ sinh sống.

Ông Pờ Dần Xinh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cực tây Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên) kể: Gia đình ông vốn gốc ở Tả Ló San. Dù rời làng khi còn nhỏ nhưng ông vẫn nhớ đường về làng. Năm 1998, ông Xinh dẫn đầu đoàn khảo sát về tìm lại Tả Ló San cũ, tìm thấy cả cái cối xay gạo cũ của gia đình, thấy cả cái nền nhà cỏ mọc um tùm, rơm rớm nước mắt bảo rằng, đấy, nhà tôi đấy: “Ba ngày mới lên được nhà cũ đó”. Vậy là năm 2009, bản Tả Ló San chính thức trở lại. 11 hộ dân rời Tả Ló San trước kia, sau hơn 20 năm, kỳ diệu là hầu hết đều trở về từ Sín Thầu, Sen Thượng (Mường Nhé, Điện Biên), Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), mang theo cả những thế hệ kế tiếp.

Ông Lường Văn Thước, nguyên chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé), có mặt ở biên giới Mường Nhé từ năm 1954. Những năm tháng đó, ông Thước từng kể, đi bộ từ Lò San Chái, sang Cha Lo Mừ, rồi sang Tả Ló San. Ông Thước từng qua lại Tả Ló San làm nhiệm vụ hơn 20 năm, cả khi nó vẫn còn hoang vu, khi người dân vẫn còn phải chạy thổ phỉ, canh chừng đạn pháo. Mấy chục năm ở khu vực ấy, Sen Thượng đã trở thành ngôi nhà của ông, rồi ông lấy vợ và ở lại luôn Sen Thượng. Độ chục năm trước, ông lên lại Tả Ló San, khi bản đã đông đúc trở lại, gặp lại những gương mặt đã hoạt động cùng ông suốt những năm tháng bảo vệ bình yên biên giới như Pờ Bố Sừ, mừng mừng tủi tủi.

Người Tả Ló San, “cách mạng là rất cách mạng”, như lời anh bộ đội biên phòng. Thậm chí có ông già đã ngoài 70, vẫn dựng lán cạnh cột mốc, để cùng bộ đội giữ nương, giữ mốc, giữ đường biên, giữ dòng suối quê nhà.

Tả Ló San còn nghèo, nhưng đường lên Tả Ló San đã bớt gập ghềnh. Ông Pờ Dần Xinh bảo giờ về bản dễ rồi, so với năm nào ông đi tìm lại nền nhà cũ. Những cánh rừng Tả Ló San, vẫn yên lặng và thâm trầm, nhưng chỉ cần bước tới, là sẽ nghe thêm bao nhiêu câu chuyện giữ đất, và mở đất của vùng đỉnh trời phía bắc Điện Biên ■