Đây, cực đông của Tổ quốc mến yêu!

Cơn lang thang bốc lên như gió, tạo nên những màn “tao ngộ chiến” điên rồ. Tình cờ gặp nhau ở xứ “cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận”, tôi vội “bẻ lái” hành trình, ngược về phía đèo Cổ Mã, để cùng nhau đón một ánh triêu dương.
Nơi đầu tiên đón bình minh, trên cả dải đất hình chữ S.
Nơi đầu tiên đón bình minh, trên cả dải đất hình chữ S.

Ba gã cùng chơi ở một diễn đàn, một vãng lai - hai bản địa nhanh chóng hội ý, gọi vài cuộc điện thoại rồi băm bổ lên đường. Lúc đó đã tầm 15 giờ, cần phải di chuyển khoảng 100 km bằng xe máy để kịp hành trình. Rất gấp gáp, không hề có chuẩn bị, cứ rầm rập như đánh trận.

Con đường từ Nha Trang ra Vạn Ninh nắng khét. Đến khoảng 17 giờ 30 phút, cả ba tạt vào một hàng bánh canh cá, lùa nhanh hai tô ngon “bá cháy” xanh mướt mầu hẹ thả. Ăn hai tô không phải vì đói quá, mà do tô bánh canh bé xíu, cứ phải suất đúp mới “đã cái nư”.

Đi thêm vài cây số, chớm thấy đỉnh đèo Cổ Mã, ngoặt phải về hướng vịnh Vân Phong. Đến chợ Đầm Môn, trời đã nhá nhem tối, vừa kịp “hội quân” với vài chiến hữu cũng lên đường cắt rừng, băng sa mạc để đến đích vào 4 giờ 30 phút sáng.

Bỏ bớt hành lý, mang thêm nước uống, thế là lại đăng sơn. Chỉ vài chục mét, ánh đèn lạc lõng cuối cùng đã tắt, trả lại một không gian trắng nhờ mầu cát, đen thẫm hàng dương, dứa dại và miên man ánh trăng mới độ quá rằm. Chúng tôi sẽ phải di chuyển khoảng 7-8 km, trong vòng tám giờ đồng hồ.

Không hề đơn giản, bởi 90% địa hình là sa mạc và 10% còn lại là rừng. Thách thức là cát lún và ba con dốc cao ngất, hút cạn mọi sức lực và niềm háo hức. Trên hành trình đó, chúng tôi chỉ có một điểm nghỉ là “lều chú Hai”, ghi trên tấm đồ như đi tìm kho báu.

Chỉ khoảng tầm 500 mét đầu tiên là tôi thấy thất khiếu thi nhau thở, miệng khô rang, mặc dù đi ban đêm không bị nắng hun, và từ chối giao tiếp. Cứ cắm cúi đi theo bóng người dẫn đường, vừa đi vừa cố đưa nhịp thở cùng tần số nhịp bước. Và rồi, sau khoảng hai giờ di chuyển, tim phổi cũng đã chịu phối hợp nhịp nhàng với đôi chân.

Đến “lều chú Hai” - một túp lều nằm giữa khu dứa dại - đã khoảng 2 giờ 30 phút. Màn trời đầy sao nhưng da trời đã tai tái. Lại khẩn trương lên đường kẻo lỡ nhịp. Từ đây, đường lao xuống chứ không còn vút lên bởi sắp đến bờ biển. Qua tán lá rừng thấp, thấy lấp ló những vụng biển như Bãi Na, Bãi Miếu.

Chúng tôi cắm cúi đi, lòng đầy lo sợ bởi không có thứ gì ào đến nhanh như bình minh ở biển. Thật may mắn, khi đến Bãi Rạng với hàng trăm hòn đá to như con trâu, con voi nằm ngổn ngang, đồng hồ mới chỉ 4 giờ. Bỏ ba-lô ở lại, chỉ cầm máy ảnh và nước để tìm đến Mũi Đôi.

Lại là một hành trình cam go. Chúng tôi phải leo lên những hòn đá lưng voi, di chuyển rồi nhảy sang hòn đá khác trong ánh sáng lờ mờ của lúc tảng sáng. Sau khoảng 30 phút leo trèo, đoàn tiếp cận chỏm Mũi Đôi. Để lên đỉnh, phải vượt qua vách đá chừng ba mét, trơn nhãy, chỉ bằng một cuộn dây rừng có thắt nút.

Và chút dũng cảm cuối cùng đã giúp tôi đặt chân lên đỉnh Mũi Đôi, mảnh địa lý vươn ra xa nhất về phía đông của Tổ quốc. Niềm sung sướng chiến thắng bản thân chảy rần rần trên mặt, cùng ánh bình minh ấm áp chồm qua vạn con sóng bạc.

5 giờ 15 phút, con quạ lửa đã rời đường chân trời để tròn vành trên biển biếc, thắp sáng rực cả vũ trụ. Ánh nắng lấp lánh trên chóp inox khắc tên Mũi Đôi và tọa độ 12˚38’39” vĩ độ Bắc - 109˚27’50” kinh độ Đông.

Đây, điểm cực đông của Tổ quốc mến yêu!