Lãng đãng với Plitvice

Ở bến xe bus trung tâm thủ đô Zagreb (Croatia), một tấm biển nổi bật hiện ra ở chính giữa khúc rẽ đầu tiên: "Trên thế giới có những nơi sở hữu vườn quốc gia mang vẻ đẹp nghẹt thở, và chúng tôi may mắn là một trong số đó".
0:00 / 0:00
0:00
Thiên nhiên không ngừng khiến ta choáng ngợp và hạnh phúc.
Thiên nhiên không ngừng khiến ta choáng ngợp và hạnh phúc.

ĐẶT chân tới Plitvice, rừng quốc gia nằm trên cao nguyên cùng tên của dãy Dinaric Alps, gần biên giới với Bosnia và Herzegovina, tôi mới hiểu: Tấm biển ấy không hề cường điệu.

Plitvice nằm ở độ cao từ 380 đến 1.280 mét so mực nước biển, rộng 300 km2. Gọi đúng là Rừng quốc gia Hồ Plitvice, vì 1% diện tích nơi đây là hồ với thảm thực vật phong phú bao quanh. Nếu may mắn, bạn có thể gặp gấu, lợn rừng, hươu và chó sói. Một tượng gấu đặt ở lối vào của cổng 2, hay thỉnh thoảng, trên đường bộ dành cho xe bus chuyên chở khách hay cho xe đạp, ta sẽ thấy những tấm biển cảnh báo (hoặc giới thiệu) ở đoạn đường này có động vật, để người ta lưu ý giảm tốc độ, không làm nguy hại tới chúng.

Tới rừng quốc gia là để trekking, hiking, dù tất nhiên bạn có thể chỉ đơn giản là đi bộ vãn cảnh. Plitvice không phải ngoại lệ, nhưng là nơi dễ đến thăm ngay cả đối với những người lười vận động. Có tổng cộng sáu tuyến đường đi bộ khác nhau về độ dài và độ khó. Các nhà quản lý bảo đảm: Mọi du khách đều có lựa chọn phù hợp nhất với thời gian và sức khỏe của họ, kể cả trẻ em hoặc người cao tuổi. Mỗi tuyến đường sẽ có những cảnh sắc khác nhau, nhưng với "Plitvice-không-góc-chết", dù chọn tuyến nào, ta cũng sẽ không cảm thấy mình bỏ lỡ điều gì.

Plitvice nằm trên dãy núi đá vôi. Đá vôi karst và đá dolomite có độ xốp cao tạo ra các dòng chảy ngầm khi nước hồ chảy qua. Các hồ được ngăn cách bởi các đập đá tự nhiên, trông như những dòng thác nhỏ từ xa. Nhưng thực tế, những dòng nước này là travertine, một loại thực vật đã biến đổi thành đá. Nước chảy hấp thụ khoáng chất từ đá dolomite dưới hồ và bao phủ cuộc sống thực vật, tạo thành đá travertine xốp. Lớp đá travertine này mỗi năm lại phát triển thêm 1 cm, với rêu và thực vật chung quanh cũng biến thành đá, tạo 16 hồ nước lớn nối liền nhau chảy qua những phiến đá, tạo thành những thác nước lớn nhỏ, khiến Plitvice luôn mang âm thanh của một bản concerto sống động, gồm cả tiếng chim hót líu lo gọi xuân về hòa vào tiếng róc rách của những dòng suối và tiếng rì rầm của những dòng thác.

Tôi đến Croatia vào giữa mùa xuân, khi các khóm hoa anh đào, hoa mận và hoa táo đang nở rộ, tắm trong ánh mặt trời, hòa vào mầu khói sương của những gợn mây tạo thành một bức tranh sơn thủy. Tia nước từ thác hòa vào nắng tạo thành cầu vồng tự nhiên lơ lửng ngang tầm mắt.

TRÊN những hành trình rong ruổi khắp châu Âu, tôi đã từng thấy Bắc Cực quang, đã thấy những đợt sóng xô vào các vách đá dựng đứng giữa Đại Tây Dương, đã được ngắm mặt trời lặn ở điểm cực tây châu Âu… nhưng không trải nghiệm nào nên bị so sánh với nhau. Bởi ở mỗi thời điểm, trải nghiệm của ta đều thật. Ta chạm vào thế giới bằng mắt thường, cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên bằng các giác quan mà không một màn hình hay thiết bị công nghệ tân tiến nào truyền tải hay thay thế được.

Có lẽ vì con người quá nhỏ bé so với địa cầu rộng lớn, và có lẽ như Oscar Wilde từng nói: "Tôi thấy chúng ta dành quá nhiều thời gian ngắm nhìn Thiên Nhiên mà sống quá ít với nàng", nên thiên nhiên vẫn không ngừng khiến ta choáng ngợp và cảm phúc.

Trong hành trình trekking ở Plitvice, câu thơ đó cứ văng vẳng trong đầu tôi. Đôi khi chúng ta thường co cụm hạnh phúc vào một không gian chật hẹp, thế rồi ta mắc kẹt trong việc cân bằng giữa tận hưởng cuộc sống. Nhưng với tôi, niềm hạnh phúc khi được nhìn những thác nước ở Plitvice hoàn toàn có thể tách biệt với niềm hạnh phúc khi bài viết này được in và đến tay bạn đọc.