Những bức tượng trong các ga tàu Moscow đều được thiết kế đèn chiếu sáng riêng, như một tác phẩm nghệ thuật. Ga Pushkin chỉ lấy mầu nền chủ đạo là trắng. Thế nên, không gian gợi lên một sự u buồn không lý giải, chứ không phải tinh thần máu nóng bừng bừng của ánh nắng khi bình minh trở dậy. Có điều, nó lãng mạn và mơ hồ. Ga không trang trí cầu kỳ, người ta khắc các câu thơ của Pushkin kèm minh họa trên những phù điêu bằng đồng. Đương nhiên có "Tôi yêu em" bất hủ và những câu trong bài Tự do: Ta muốn ca ngợi tự do nơi trần thế/ Ta muốn đập vào những tật xấu gian tham.
Cảm giác mơ hồ cũng giống như khi sang đảo trung chuyển tuyến số 7 để đi tới ga Chekhovskaya. Chekhovskaya đặt theo tên nhà văn Chekhov. Mầu chủ đạo ga chỉ có đen và trắng, tường trắng, ánh sáng cũng trắng. Nếu đang ở những chỗ nhiều mầu sắc như ga Novoslobodskaya, Arbatskaya mà đi thẳng đến đây hẳn sẽ cảm thấy "sốc nhẹ". Mầu sắc hiếm hoi là những bức tranh gốm ghép trên tuyến 1, có điều những bức tranh đó đã không còn nhìn ra hình thù. Phía cuối nhà ga, chân dung gốm nhìn nghiêng của ông già u sầu dịu dàng Chekhov cũng mất quá nửa, may là phần mặt ông vẫn rõ. Nó hẳn đã từng là một nhà ga đẹp và tinh tế, bởi những chi tiết nhỏ bằng gỗ trên chùm đèn trần, với những bông hoa tỉ mỉ và mềm mại. Nhưng nó là một nhà ga của sự tàn lụi khó lý giải. Hay vốn dĩ xưa nay nó vẫn vậy, như cách mà Chekhov viết? Tình cờ là khi chúng tôi chờ tàu ở Chekhovskaya, con tàu đi tới lại được trang trí đầy mầu sắc (với các thông điệp bảo vệ động vật). Kể cũng như một sự đổi mới, ào đến và đi.
Bức tượng đại thi hào Pushkin đặt ngay lối vào nhà ga Pushkinskaya. |
Thời hoa niên của nhiều thế hệ người Việt, ai chẳng từng "giắt túi" vài ba tác phẩm văn học Liên Xô, trong những tháng ngày thơ mộng. Thế nên tới nước Nga, cái cảm giác lãng đãng, khi bỗng dưng bắt gặp những tưởng tượng tuổi trẻ, nó lại càng rõ rệt. Gã bạn đi cùng bảo "đằng nào cũng lãng đãng", nên chúng tôi tiếp tục theo dấu Pushkin, ngay cả khi đã rời Moscow tới Saint Perterburg, nơi Pushkin trải qua những ngày cuối đời.
Nhà hàng Literary nằm nơi góc phố Nevsky, cách vài bước chân là tới sông Moika, bây giờ là quán cà-phê Library. Thời mới chỉ là một cửa hàng bán đồ uống nhỏ, đây đã là điểm dừng chân của các văn nhân nghệ sĩ Nga, ngoài Pushkin còn có Lermontov, Dostoiekvky… Một không gian vừa phải, ngay tầng một là tượng sáp của Pushkin, bên cửa kính trầm tư. Khách chủ yếu ngồi tầng hai. Ngày 27/1/1837, khi đồng hồ chiều điểm đúng bốn tiếng, Pushkin ngồi với người bạn thân Danzas của mình, uống một ly nước chanh, nhìn ra đại lộ Nevsky. Một giờ sau, cuộc đấu súng giữa Puskhin và Georges d'Anthès diễn ra. Và mặt trời thi ca Nga đã lặn.
Tôi và gã bạn chọn một bàn gần cửa sổ tầng hai, gọi một bình trà đen. Gã bảo những bàn quanh đây, có vẻ như đều là các trí thức giới văn học-nghệ thuật. Câu chuyện của họ, theo sự nghe lỏm tình cờ, đều xoay quanh tin tức, sách vở, xuất bản. Câu chuyện nhỏ nhẹ, cứ như ai nấy đều cố gắng bảo vệ sự lãng mạn cố hữu. Chúng tôi đã ngồi đó rất lâu, nhìn ra đại lộ, cảm giác như thể chạm tay vào đâu cũng thấy những dấu ấn trăm năm, và nghe những câu chuyện tưởng xa mà rất gần, trong đầu cứ miên man nhớ về những trang sách tuổi trẻ.
Chỉ lãng đãng thế thôi!