Môi ta gọi tên biển Quỳnh

Một cuộc đi trốn ở biển thật kỳ lạ. Không phải là những bãi biển thuộc Top 5 hay Top 10 hành tinh, với những bãi cát trắng mịn màng và những thân dừa mềm mại đậm dấu vết chăm sóc của con người. Cũng không phải những bãi biển tiện nghi 5 sao, dịch vụ cung cấp đến tận chân tơ kẽ tóc, luôn cuồng nhiệt hội hè.
0:00 / 0:00
0:00
Ta có thể thư thái cả ngày bên biển Quỳnh.
Ta có thể thư thái cả ngày bên biển Quỳnh.

ĐÂY chỉ là một bãi biển vô danh trên “bản đồ du lịch biển”, nằm ngoài tầm phủ sóng của hoạt động du lịch, không có những khách sạn chọc trời “view biển”, không có những nhà hàng thừa mứa hải vị thượng hạng. Tất nhiên, ở đây cũng là “vùng trắng” của cuộc sống về đêm chát chúa tiếng nhạc, ánh đèn.

Đó thật sự là một cuộc đào tẩu và biến mất khỏi thế giới cuồng vội. Một cuộc nghỉ dưỡng bên bãi biển chưa bao giờ hoang dại và hồn nhiên đến thế, ở những vũng biển vẫn còn ngơ ngác đứng ngoài thế sự, hồn nhiên, chân chất với nhịp sống yên bình đã tồn tại từ khi dựng làng lập ấp cho đến bây giờ.

Biển Quỳnh nghe thật mộc mạc, dễ thương và gợi trí tò mò. Nếu như không có con đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu, cũng không nhiều người biết đến biển Quỳnh ngoài dân địa phương hoặc những kẻ đã vô tình lạc bước ghé qua, rồi mê đắm vẻ nguyên sơ của biển Quỳnh.

Biển Quỳnh là cái tên gọi chung để chỉ bảy bãi biển kề nhau của các xã ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, chạy dài từ xã Quỳnh Lập đến xã Tiến Thủy, có tên Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy.

Biển Quỳnh nằm giữa hai bãi biển nổi tiếng ở Bắc Trung Bộ là Cửa Lò (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, nước biển ở đây đã mang nhiều nét của các vùng thuộc duyên hải miền trung. Nước trong xanh gần như quanh năm, không nhiều sắc xám, vàng, thậm chí là đỏ, do pha nước hạ lưu của các sông lớn đổ ra như các biển ở phía bắc.

Biển Quỳnh có cả chục bãi tắm đẹp, xinh xinh theo kiểu “riêng một góc trời”, với hàng phi lao xanh mướt bốn mùa, tiếp đến bãi cát trổ đầy hoa muống biển tím lịm, rồi mới đến bãi cát vàng sạch sẽ chịu mài mòn xê dịch của những con sóng bạc đầu.

Nhờ đặc điểm là một vũng biển, với một đầu nhô ra ở biển Quỳnh Phương với ngôi đền Cờn linh thiêng, nên vùng nước biển Quỳnh khá êm ả, dịu dàng, không dung chứa những dòng chảy ngầm quái ác. Yên ả, thanh khiết, ngập tràn hương vị mặn mòi của đại dương… những đặc điểm đó rất đỗi bình thường, song giờ lại khó kiếm.

Tôi thích nằm cả ngày bên biển Quỳnh để nghe gió reo, sóng hát, phi lao rì rào, khi đọc dăm ba trang sách, lúc lại buông hững hờ để dõi theo những đàn hải âu, chim yến, mòng biển bay thành bầy chập chờn trên sóng bạc đầu rồi tạo đội hình chữ V về phía đền Cờn xa xa.

Biển Quỳnh đặc biệt ở hệ thống hang động khá kỳ lạ, hiếm thấy ở vùng biển khác. Những miệng hang nằm ngay sát bờ biển, khi triều lên trở thành vũng hồ, khi triều xuống để lại những con cua, con còng ngơ ngác trên mặt cát. Ở đây có núi Rồng với hang Mắt Rồng với những khối thạch nhũ mỹ miều, chất ngất.

Nắng lên, nhưng là cái nắng nhẹ nhàng chứ không quá bỏng rát, chỉ đủ làm ấm làn nước biển để chiều chuộng những xác thân mệt mỏi đang mong cầu chút tái sinh. Làn nước ấm đó cũng mời gọi những con ruốc (tép biển nhỏ hay còn gọi là con moi) nổi lên, sa vào lưới.

Ruốc biển tươi xào khế ngon tuyệt, vốn là một thứ lộc trời của biển Quỳnh. Nắng đã lên gắt hơn, ngư dân sẽ đem ruốc ra phơi,để trở thành một thứ lương khô của những ngày mưa dầm dề. Ruốc cũng chính là nguyên liệu làm nên thứ mắm tôm ngon “nhức nách”. Ngoài con ruốc, cá thu một nắng cũng là đặc sản của biển Quỳnh.

HÃY cố đến biển Quỳnh vào đợt trung tuần, để ngắm nhìn mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên giữa một vùng không gian đặc quánh như ly cà-phê. Ánh sáng nhu nhuận của vầng trăng sẽ làm biển đổi cả mặt biển bao la, khiến chúng trở thành khối thạch anh diệu kỳ. Trong ánh sáng ấy, ta thấy tim mình mềm lại và yêu đời thiết tha.