Yên lắng với Ba Lan

Trong vòng tám tháng, tôi đi Ba Lan tới ba lần. Bắt đầu là “mùa tuyết tan” ở Poznan và thủ đô Warsaw, sau đó là những ngày hè bên bờ Baltic, rồi cuối cùng là “mùa thu vàng mênh mang” ở Kolobrzeg.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa thu vàng Kolobrzeg.
Mùa thu vàng Kolobrzeg.

Có một sự ưu ái mà tự nhiên dành cho những người sống ở Đức thích “xê dịch” như tôi. Đất nước này chia đường biên giới với tám quốc gia: Phía tây giáp Hà Lan, Bỉ, Luxembourg; phía nam giáp Thuỵ Sĩ, Pháp, Áo, một phần của Cộng hòa Czech; và phía đông giáp phần còn lại của Cộng hòa Czech cùng Ba Lan. Dù sống ở đâu, bạn cũng có thể rất nhanh chóng “đi nước ngoài”, dù là du lịch dài ngày hay chỉ là dã ngoại cuối tuần.

Sống ở Berlin, tôi chỉ cần lái xe hai giờ trên đường cao tốc là tới Ba Lan. Khá nhiều người Đức còn coi việc tới Ba Lan hằng tháng là một cách… hưởng thụ hợp lý. Nơi ở, đồ ăn, tiêu dùng đều rất rẻ, có thể chỉ bằng một phần hai giá ở Đức với chất lượng ngang nhau, ngay cả ở những khu du lịch. Ở giáp biên giới, người Ba Lan còn mở ra những khu chợ chỉ tập trung cho tệp khách là người Đức, với các biển hiệu tiếng Đức, đồ ăn truyền thống Đức, các “tiểu thương” ai ai cũng nói được tiếng Đức (dù ngữ điệu vẫn đặc giọng địa phương).

Cùng chung đường bờ biển Baltic với những cảnh sắc, thảm thực vật na ná nhau, nhưng tôi vẫn ưa thích các thị trấn biển ở Ba Lan hơn Đức. Dù người Ba Lan “làm du lịch” có phần “sơ sài” so với người Đức, nhưng sự nồng hậu, cởi mở của họ khiến cho các trải nghiệm trở nên vô cùng gần gũi.

Tôi nhớ bữa ăn trưa trong một tiệm ăn nhỏ tự gọi đồ nhưng nườm nượp khách, nằm ngay trung tâm khu du lịch ở Miedzywodzie. Khi thấy chúng tôi loay hoay với món cá hanh nướng mà nhân viên phục vụ mang thừa, cậu này không nói được cả tiếng Anh hay Đức, một người đàn ông bàn bên ngay lập tức ngỏ ý phiên dịch và giúp đỡ. Cái dáng phương phi và nước da trắng hồng của bác chính là hình mẫu một bậc trưởng lão Ba Lan điển hình, vào giữa trưa mùa hạ vẫn trên tay ly vodka, nhâm nhi hàn huyên cùng mấy ông bạn hưu trong một tiệm ăn nhỏ ven biển. Tiếng Đức của bác không quá tốt, nhưng bác đã rất cố gắng để giúp chúng tôi giải thích với nhà hàng, và nán lại để bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không phải dùng và trả tiền cho đĩa cá đó.

Yên lắng với Ba Lan ảnh 1

Một nền ẩm thực đầy bản sắc.

Chuyện không chỉ có vậy. Chừng 10 phút sau, khi tôi đang tận hưởng món cá hanh và khoai tây bỏ lò, một nhân viên khác của tiệm ăn tiến lại gần, cúi rạp người xin lỗi, nói rằng mọi sơ suất là của tiệm, mong quý khách thông cảm và chúc quý khách ngon miệng. Sau đó, khi ra quầy tính tiền, tôi gặp lại cậu nhân viên đã đặt nhầm món và đến lượt cậu tiếp tục xin lỗi chúng tôi. Tất cả mọi dữ kiện này diễn ra vào giờ cao điểm của tiệm, khi mọi nhân viên đều tất bật với nguyên một đoàn khách mới đang xếp hàng chờ tới lượt. Một điều đáng chú ý: Việc cho tiền tip không phải văn hóa bắt buộc ở Ba Lan, và những người phục vụ cũng không kỳ vọng điều đó, như ở nhiều quốc gia khác.

Bạn tôi thì nhớ về một người phụ nữ cao niên đã giúp chúng tôi sử dụng chiếc máy đậu xe ở trung tâm thành phố Swinoujscie, khi tình cờ dắt chó đi dạo ngang qua (dù cả hai chúng tôi còn chưa kịp “loay hoay” với công nghệ rất… lạc hậu của cái máy, mà cũng chưa kịp hỏi nhờ giúp đỡ). Người Ba Lan không cần hỏi trước bạn có cần giúp đỡ không. Tôi tin rằng, họ đủ tinh tế để đánh giá tình huống, và cũng đủ cởi mở để “mua việc vào mình”, mà vẫn giữ nguyên phép tắc lịch sự cơ bản.

Có lẽ, việc ta đem lòng yêu quý một vùng đất không phải chỉ vì cảnh sắc mà còn vì những trải nghiệm giữa người và người, vì cách ta được đối đãi và cách ta tương tác với những con người nơi ấy. Tôi yêu mến mọi thứ ở Ba Lan, từ những cánh rừng xanh ngát dựng lên trên các vách đá kéo dài chạy dọc quanh đường bờ biển Baltic, đến những làn gió mát lạnh thổi từ biển, những món hải sản với khoai tây nghiền, khoai tây bỏ lò hay món há cảo truyền thống. Nhưng tất nhiên, trên hết, là sự nhiệt thành mà tôi cảm nhận được, trên bất cứ gương mặt nào.