Mảnh đất nắng gió khốc liệt Quảng Trị có tới cả nghìn ngôi làng, từ đất thép Vĩnh Linh, qua Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng, Đông Hà ra Cửa Việt, rồi theo Đường 9 lên Hướng Hóa, Khe Sanh…
Hơn 1.000 ngôi làng ấy bây giờ, là “hậu duệ” của 65 ngôi làng cổ được thành lập quanh thời điểm Huyền Trân Công chúa được gả cho vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) vào tháng 6 năm Bính Ngọ (năm 1306), đã từng đi vào thi ca khuyết danh:
Tiếng đẹp đồn đâu đến Chế Mân
Ngày đêm mơ tưởng bóng Huyền Trân
Hai châu Ô, Rí vuông nghìn dặm
Đem đổi người xinh của họ Trần
Cho dù còn phủ nhiều lớp sương mờ huyền ảo, nhưng chắc chắn, từ cuộc hôn nhân này, theo chân những người con Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… thiên di đến vùng đất phên dậu mới của quốc gia, là hàng hàng lớp lớp những ngôi làng Việt cổ.
Những ngôi làng ở Quảng Trị không những tạo ra không gian sống cho người mở cõi, mà còn là nơi tiếp nối truyền thống của cha ông trên đất mới. Chính vì thế, nhiều ngôi làng vừa thuần Việt với “cây đa, mái đình”, vừa tuôn chảy những mạch nguồn giếng cũ Chăm Pa.
Làng Kim Đâu (xã Cam An, huyện Cam Lộ) là một ngôi làng điển hình như thế. Nơi đây hiện gìn giữ ba di tích văn hóa-lịch sử là đền thờ Huyền Trân Công Chúa, tháp Chăm Kim Đâu và giếng Bàu Đá. Khi đến đây, ta sẽ thấy đền thờ Huyền Trân tọa lạc đối diện với giếng Bàu Đá - một giếng cổ hình vuông được xây dựng từ thế kỷ 14, chẳng bao giờ cạn nước ngọt lành.
Một ngôi làng cổ nổi danh khác là Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong), nơi đã sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước, tiêu biểu nhất là đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua hàng thế kỷ, mái đình làng Bích La vẫn sừng sững, che chở cho tinh thần của dân làng cùng những mái nhà, bờ tường đã trầm tích dấu thời gian.
Mật độ làng dày đặc ở Quảng Trị cũng phản ánh đời sống vật chất-tinh thần phong phú nơi đây, nhờ sự giao thoa nghìn năm. Rất nhiều ngôi làng là làng nghề thuần túy như làng bún chắt chắt Mai Xá, làng chạm khắc Cát Sơn, làng mộc Gia Độ, làng giấy Phổ Lại, làng nón lá Bố Liêu, làng quạt giấy Phương Ngạn, làng dệt chiếu Lâm Xuân, làng nấu rượu Kim Long hay làng “tâm linh” Phú Hải…
Nhưng cho dù làng của kẻ ruộng (trồng lúa), của kẻ chợ (làm nghề thủ công và buôn bán) hay của kẻ mọi (làng của người dân tộc) thì những ngôi làng của Quảng Trị đều là những dấu chỉ cộng cảm và ký ức cộng đồng đã hình thành và bảo tồn qua 6-7 thế kỷ, kể từ khi Huyền Trân lặng lẽ lên đường.
“Người mẹ” của châu Thuận, châu Hóa đã góp công lớn - cho dù thầm lặng - trong việc tạo tiền đề biến “ô châu, ác địa” thành dải đất trù phú. Theo dấu chân của Huyền Trân công chúa, là phơi phới làng Việt. Tưởng nhớ công đức ấy, khói hương trầm vẫn không ngừng nghi ngút bay lên!.