Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

"Cậu có biết nơi nào, ở ngay ngoại thành Hà Nội này, còn giữ được nhiều khung cảnh xưa cũ, mà lại có cả kiến trúc Pháp, như gần một trăm năm trước không?". "Không, tôi không biết. Cậu hỏi bất ngờ thế! Tôi chịu không nghĩ ra được". "Nhưng tôi biết. Đi thôi!".
0:00 / 0:00
0:00
Đây tiếng thở than vọng từ buổi giao thời...
Đây tiếng thở than vọng từ buổi giao thời...

NGHE thế đủ biết chẳng phải Đường Lâm, cũng không phải Cự Đà hay Đông Ngạc rồi. Những ngôi làng cổ quanh Thủ đô giờ chẳng còn nhiều. Mà người bạn ưa khám phá của tôi vốn cũng lại không thích những nơi đã quá "nổi tiếng", "ngựa xe như nước", chỉ muốn ung dung tản bộ trong u tịch, dứt hẳn tâm trí khỏi ồn ã thị thành.

Như là chặng đường hôm ấy, từ cổng đến tận đình làng Cựu, ngồi nghỉ cạnh giếng làng, chúng tôi hầu như chẳng nói với nhau câu gì. Mỗi người, khi đi dọc con đường làng vắng bóng người qua, san sát những mái xô rêu phong và những bức tường tróc lở, đều không muốn phá vỡ cái bầu không khí đặc quánh trầm tích quanh mình. Mỗi người theo đuổi một luồng suy tư riêng, thỉnh thoảng mới gặp nhau ở một giao lộ vô hình nào đó. Như khi cùng dừng lại dưới một mái vòm theo phong cách châu Âu, chắc chắn từng có thời tuyệt mỹ huy hoàng, nay lim dim ngủ vùi trong hoang phế. Mà xa xa, một bụi hồng vẫn lặng lẽ tỏa hương.

Làng Cựu, tên chữ là Vân Từ, nay thuộc huyện Phú Xuyên, nhẩn nha nhấn ga xuôi Quốc lộ 1 về phía nam khoảng 40 km, rồi rẽ phải, là đến. Trước khi trở thành làng ngoại ô Hà Nội, làng Cựu góp phần tạo nên danh xưng "đất trăm nghề" cho tỉnh Hà Tây (trước đây). Nghề làng Cựu là nghề may Âu phục. Người làng Cựu xưa, là những thợ may complet/veston/suit/demi,… lành nghề. Trong buổi bình minh nhập nhoạng của thế kỷ 20, có người ra phố học được đường kim mũi chỉ thành tài, rồi trở về truyền lại. Cả làng khấm khá lên, rồi xây những ngôi nhà "mới" khang trang (so mái rạ vách xiêu thời đó), nhưng vẫn khiêm nhường nằm khuất sau cổng làng và những lũy tre.

Nay thì, những kết cấu "mới" ấy đã trở thành một quần thể "kiến trúc xưa". Không biết có phải tình cờ hay không, nhưng đến làng Cựu hôm đó, tôi hầu như không gặp người trẻ, chỉ đi lướt qua những khuôn mặt hằn dấu chân chim. Bước thiên di, qua dâu bể thăng trầm, đã đưa không ít cuộc đời rời khỏi nơi này. "Họ lên phố, phố Hàng Trống nổi tiếng may vest chẳng hạn, lập nghiệp, rồi ở lại luôn đó", bạn tôi thì thào, trong khi vuốt tóc cúi xuống, chụp xuyên qua ô khóa một cánh cổng gỗ bạc thếch màu mưa nắng, cố lưu lại hình ảnh một khoảnh sân tơi tả lá rụng vàng.

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ ảnh 1

Vân Từ có thể mãi mãi là vùng mây trắng ngủ say không?...

CÓ lẽ vẫn còn là may mắn, cho làng Cựu cũng như cho những lữ khách ưa hoài cổ, khi ngôi làng này vẫn còn giữ được hầu như vẹn nguyên những vết dấu trăm năm. Hoặc là chủ nhân của những chứng tích ấy không có nhu cầu thay đổi, hoặc họ muốn thay đổi nhưng không có điều kiện, hoặc xây mới hay tôn tạo là câu chuyện còn phụ thuộc vào các loại giấy tờ… Tôi không biết nữa, nhưng khi bước từng bước qua khung cảnh này, âu yếm vuốt ve từng hình khối cổ điển duyên dáng bằng ánh mắt, chợt thấy như bao nhiêu xiêu đổ, trầm mặc cũng dường như trỗi dậy, đáp lại tôi, trò chuyện với tôi, sống động, xôn xao.

Như là căn phòng trên tầng hai tòa biệt thự có thể phóng mắt nhìn rộng bốn phía kia. Đã có bao nhiêu câu chuyện đời thường, về các "thầy phán, thầy thông" thuở giao thời "vứt bút lông đi, giắt bút chì" được lưu lại trên lớp rêu mờ của bốn bức tường ấy? Những câu chuyện chắc chắn sẽ hoàn toàn khác biệt với tiếng vọng của nhôm, kính, bê-tông, máy lạnh…, gay gắt và hối hả trong hiện tại.

Ở đây, nếu muốn, hình như bạn cũng chỉ có một chỗ lưu trú, một homestay duy nhất mang tên Làng Cổ. Nó nằm gần bức tường còn in mờ mờ dấu khẩu hiệu từ thời nào đó, thời khó khăn nhất của đất nước: "Mỗi ngày một quả trứng hồng", có lẽ là để cổ động phong trào tăng gia sản xuất. Và ở đình làng, tôi cũng không gặp nam thanh nữ tú nào dựng tripod quay clip TikTok.

Cứ muốn làng Cựu Vân Từ mãi mãi không biến đổi vì những tác động của phát triển du lịch, mãi mãi là một thung lũng ngủ quên, một ốc đảo chỉ có tiếng thời gian thì thầm thế này, có phải là ích kỷ chăng…