Giữa ảo cảnh một thời đã mất

Măng Đen (Kon Tum), một ngày tháng 3 bất chợt, giống lạ kỳ một cuộc xuyên không về địa đàng hư ảo nào đó, với những đồi thông ẩn chìm trong sương khói mơ hồ, cùng vài con đường quanh co dưới trong vắt những hạt nắng tinh khôi...
0:00 / 0:00
0:00
Nơi kỳ diệu sông cũng tĩnh như hồ
Nơi kỳ diệu sông cũng tĩnh như hồ

chạm đầu tiên vào Măng Đen, tim người đã chợt rung lên. Đất lạ, mà sao quen thuộc quá, từa tựa dung nhan của những phố núi đã từng kiều diễm, huyền ảo, diệu kỳ… như Đà Lạt, Pleiku, hay Sa Pa.

Ở đây cũng có những làn sương hồng ôm ấp những đồi thông đuôi chồn kiều mỵ, vào mỗi bình minh hay buổi tà dương. Ở đây cũng có những dốc núi uốn khúc lên xuống, mềm mại như thao lĩnh. Và ở đây, cũng tràn ngập thinh không tĩnh lặng, ngào ngạt hương thơm của nhựa thông, khiến những cơn gió bay qua cũng rạo rực.

Sự lặng lẽ của Măng Đen khiến người lữ thứ không khỏi tưởng tiếc những địa danh từng lãng mạn thuở nào. Và giữa khoảng vô thanh, họ nghe được tiếng thở dài của chính mình.

Vội vàng hít thở mùi của cỏ cây rừng núi cho căng tràn lồng ngực, khoan khoái để thứ nắng vàng mềm mại đã được lọc qua những lưới lá thông sưởi ấm châu thân, ta cứ thế nhẩn nha nhấm nháp một không gian yên tĩnh đặc quánh và ngọt lịm. Pha một ấm trà ngon, ngồi giữa ánh xuân hồng, rồi ngắm nhìn núi đồi xa xăm vẫn còn bàng bạc lớp voan mỏng chưa tan, cõi mộng ảo này giờ cũng không còn dễ gặp.

Núi ở đây không quá cao. Chúng mềm mại, tròn trịa và mầu mỡ, nuôi dưỡng thảm thực vật trù phù, óng ả xanh mướt mát. Thi thoảng, đôi chỗ chưa phủ xanh, lại lộ những mạch bazan tươi đỏ, tràn trề, phồn thực… Và trên cao, là vòm trời xanh như tạc bằng lam ngọc.

Giữa ảo cảnh một thời đã mất ảnh 1
Giữa hoang sơ là tràn ngập lòng biết ơn.

SAU tuần trà sớm, chúng tôi ngược đường vào Măng Cành tìm thượng nguồn của Đăk Bla, con sông vừa có tính cách bất khuất của người Tây Nguyên, vừa có phong thái cô độc của một hiệp khách. Con sông duy nhất ở Tây Nguyên không bắt nguồn từ Đông Trường Sơn, mà khởi sinh từ Tây Trường Sơn.

Thượng nguồn của dòng Đăk Bla ngược ngạo chính là sông Đăk Snghé (Măng Đen). Từ đây, Đăk Bla chảy về Kon Tum rồi hợp với sông Krông Pô Kô tạo thành sông Sê San hùng vĩ. Ở nơi khởi thủy cao 1.200 mét so mực nước biển, Đăk Snghé là cả một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, lúc hiển lộ lồng lộng dưới trời xanh, lúc ẩn mật nép dưới tán rừng già.

Những con sông trên núi cao đều có cá tính đặc biệt. Chúng không chảy, mà như bay đi giữa không trung, lan tỏa nguồn năng lượng và dinh dưỡng để nuôi dưỡng vạn vật tùy tùng. Chúng tạo ra những mảnh ngọc lam, ngọc phỉ thúy trác tuyệt, những thác nước sủi bọt trắng xóa giữa núi rừng, tạo muôn vàn cảnh "sơn kỳ thủy tú".

Xe chạy giữa lõi rừng già, băng trên những con đường đất đỏ bụi mù, để "đâm sầm vào" dòng Đăk Snghé xanh ngắt, trong veo. Một đoạn phình của Đăk Snghé tạo thành mặt hồ trên núi, không một gợn sóng, đôi chỗ tua tủa những thân, gốc, rễ lũa… mà thời gian để lại. Hồ là tĩnh, sông là động, nhưng ở thượng nguồn, Đăk Bla lại có thể tĩnh như hồ. Thật diệu kỳ!

Khi đắm mình trong làn nước mát lạnh, ngắm nhìn chiếc cầu vồng vừa hiển lộ nhờ bụi nước của dòng thác tương tác với ánh nắng, có còn gì trong tâm hồn ngoài sự biết ơn, biết ơn tạo hóa? Chợt thấy thương cho mảnh hồ Séo Mí Tỉ ở Sa Pa - vốn từng đẹp như hồ Hallstatt bên rặng Alps (Áo).

Nhưng giờ hãy cứ chìm đắm để được sống trong âm thanh của tĩnh lặng và nguyên xuân. Ai biết ngày mai, ảo cảnh nào còn lưu lại, như quang phổ rực rỡ của cầu vồng?