Ai mới là người dư dả?

Năm đó, tôi theo chân Leida đến Leticia (Amazonas, Colombia). Leida là một cô gái người thủ đô Bogota, đầy nhiệt thành và trong sáng, sở hữu một trang web với tham vọng giới thiệu sản phẩm thủ công của người da đỏ tới thế giới, theo cách hoàn toàn miễn phí. Cô ấy mang 50 túi quà, mỗi túi gồm áo phông, bút bi và một quyển sổ nhỏ, dành tặng trẻ em làng Khỉ, một làng du lịch bản địa. Giá trị mỗi túi quà đâu như vài nghìn COP (khoảng 20-30 nghìn đồng), là tiền túi của Leida.
0:00 / 0:00
0:00
NIềm vui khi được câu cá piranha trên sông Amazon. Ảnh: Ngọc Bích Trần.
NIềm vui khi được câu cá piranha trên sông Amazon. Ảnh: Ngọc Bích Trần.

LETICIA, trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là niềm vui. Leticia cũng là tên vùng đất nằm giữa biên giới ba nước Peru, Colombia và Brazil. Theo tài liệu ghi lại, vào năm 1867, một viên quan Peru quản lý vùng tam biên này đã ký giấy đổi tên cũ San Antonio thành Leticia. Và người ta phát hiện rằng, Leticia chính là tên của vợ ông ta.

Leticia thời điểm đó biệt lập với thế giới, là cửa ngõ bước chân vào rừng già Amazon huyền bí. Cả Nam Mỹ lúc đó còn chìm trong các cuộc chiến, chẳng ai để ý tới chuyện đổi một cái tên. Leticia, như phán quyết của Liên hợp quốc, thuộc chủ quyền của Colombia. Nhưng thực tế, đây là nơi tập trung cư dân biên giới của cả ba nước.

Sau khi máy bay hạ cánh xuống Leticia và nộp 150.000 COP (khoảng hơn 900 nghìn đồng) phí nhập cảnh, hộ chiếu của bạn sẽ được đóng một con dấu riêng của khu vực này.

Leticia là địa chỉ tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ từ không ít cá nhân, tổ chức ở khắp nơi. Thậm chí, Sở cảnh sát địa phương lập hẳn một phòng chỉ để tiếp nhận quà. Trong mắt những nhà từ thiện phương Tây, người da đỏ sống trong những căn nhà nửa nổi nửa chìm vùng đầm lầy Leticia "là nghèo". Và việc sống dựa vào bắt cá và len lỏi trong rừng rậm, bán những chiếc mặt nạ "là lạc hậu". Nhưng Leticia thật sự là niềm vui, như tên gọi.

Nụ cười rạng rỡ ngay từ đầu làng. Chẳng khó khăn gì để bắt gặp một chàng trai bản địa, vừa đi vừa nhún nhảy, xòe xiên cá nướng thơm lừng mời mọc. Hay tới buổi chiều tà, ông chủ nhà trọ sẽ rủ chúng tôi đi câu cá piranha. Cá piranha rán giòn, ăn kèm cơm trắng có chút muối, một chút nước cốt chanh vàng, vừa ăn vừa tận hưởng niềm vui, cứ như thể vừa hoàn thành một chiến tích. Hoặc giả, thư thái ngắm các nghệ sĩ bản địa ngồi bên sông và tạo ra nhiều món đồ trang trí đầy mầu sắc. Ông chủ nhà đã phơi khô một chiếc đầu cá piranha, lồng vào mấy sợi dây bảy mầu để làm vòng đeo cổ. Cậu bé bán mặt nạ 15 tuổi nhà bên cạnh làm mũi tên gỗ với chiếc lông chim rất đẹp. Hay những người phụ nữ mỗi buổi trưa thích ra sông và hát.

Ai mới là người dư dả? ảnh 1

Sông Amazon từ ngã ba biên giới Peru-Brazil-Colombia. Ảnh: Mai Lưu

Ở Leticia, cần mặt trời, có mặt trời; cần ăn ngon, có đồ ăn ngon; cần thiên nhiên, có thiên nhiên; và có cả nghệ thuật… Nói như Đen Vâu (một rapper Việt Nam), "vậy thì ai mới là người dư dả?".

CHÚNG tôi đến làng trên chiếc xe cảnh sát sặc sỡ. Những túi quà mà Leida tặng, dù giá trị không lớn, nhưng lũ trẻ vẫn hào hứng đón nhận. Nào là mầu vẽ cho học sinh, sách truyện tranh, rồi có cả bảng phấn và bàn ghế để tạo nên một lớp học di động. Hai lần một tuần, chiếc xe nhiều mầu sắc đi vòng quanh Leticia, và đội cảnh sát kiêm nhiệm giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha cho trẻ em quanh vùng. Đồ đạc trên xe do chính mấy anh cảnh sát thiết kế, tận dụng từ thùng bia, gỗ vụn… Đây là sáng kiến của riêng nhân viên Phòng cảnh sát phát triển và giáo dục vấn đề trẻ em thuộc Sở Cảnh sát Leticia.

Cảnh sát Leticia đón tiếp trọng thị tất cả những người mang quà tới Leticia, ngay cả với hai đứa vô danh tiểu tốt cùng túi quà rất bé như chúng tôi. Quá trình làm từ thiện suôn sẻ, và Leida thành công trong việc tìm một vài nghệ nhân làm mặt nạ để có thể giới thiệu về họ trên trang web của cô ấy.

Sau này, Leida còn đi nhiều nước, tặng những món quà có trị giá cao hơn hồi tới Leticia. Nhưng cô ấy đồng ý với tôi, rằng Leticia vẫn là nơi thân thiện và nhiều nụ cười nhất.

Có mấy khi được đi xe cảnh sát mà "đa sắc" thế đâu.