Hygge là như thế

Tôi đến Đan Mạch đón giao thừa năm 2024 không phải vì đây là "đất nước hạnh phúc nhất thế giới", như đã đọc trên báo chí. Nhưng khi đã ở đó và tận hưởng sự thảnh thơi Hygge, tôi mới hiểu rằng mọi điều tôi từng hồ nghi, lại đều là thật.
0:00 / 0:00
0:00
Đan Mạch giờ không chỉ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nữa, mà còn là quê hương của một người bạn đặc biệt, bác sĩ Chresten.
Đan Mạch giờ không chỉ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nữa, mà còn là quê hương của một người bạn đặc biệt, bác sĩ Chresten.

ĐÓ là đêm giao thừa… ướt át nhất mà tôi trải qua. Tại Thủ đô Copenhagen, mưa và gió lớn xuất hiện từ chiều, càng về đêm càng nặng hạt. Nhiệt độ thực tế ở vào khoảng âm 5 độ C, nhưng kèm gió và độ ẩm khiến cho cái lạnh càng buốt giá.

Nhưng trên các con phố đi bộ ở trung tâm thành phố, bạn sẽ không nhìn thấy nhiều người cầm ô. Tôi đã quen với điều này ở Berlin hay ở Thụy Điển, những nơi mà mọi người thường xuyên mặc y phục chống nước (cho tiện). Nhưng trong đêm giao thừa ở Copenhagen, tôi thấy cả những trai xinh gái đẹp đi giày cao gót, áo khoác lông, diện sơ-mi trắng và suit… Họ tề tựu ở quảng trường trung tâm để hát hò, nhảy múa và ngắm pháo hoa, dưới mưa.

Người dân Copenhagen khởi động màn pháo hoa từ… 10 giờ tối, cứ như thể năm mới đã sang rồi. Khi đồng hồ chuyển sang ngày 1/1/2024, tất cả cùng chiếu sáng bầu trời Copenhagen bằng pháo hoa của riêng mình, rực rỡ và hoành tráng hơn cả những màn pháo hoa nhà nước bắn. Mưa vẫn không ngừng rơi, tất cả đều ướt và lạnh, nhưng tiếng pháo vẫn tiếp tục nổ, suốt 20-30 phút, thậm chí cả giờ sau đó.

Hygge là như thế ảnh 1

Tại Thủ đô Copenhagen, mưa và gió lớn xuất hiện từ chiều, càng về đêm càng nặng hạt.

Việc tận hưởng cảm giác vui vẻ, ấm áp của người Đan Mạch đã tạo thành khái niệm toàn cầu Hygge là thế. Không như người Đức luôn "lo xa", cũng không như người Thụy Điển luôn chừng mực, giữ mọi thứ ở trạng thái vừa đủ với chủ nghĩa "Lagom", người Đan Mạch trân trọng từng khoảnh khắc sống, ưa thích sự bình yên, nhẹ nhàng, nhưng vẫn có thể "vui hết cỡ, chơi tới bến".

Để hiểu thêm về khái niệm đó, tôi lên Couchsurfing xin "ở nhờ" anh Chresten, sinh sống ở thành phố Odense - quê hương nhà văn Hans Christian Andersen. Trước khi đồng ý cho tôi và con trai đến tá túc, anh Chresten mới chỉ gặp tôi chưa đầy 24 giờ, hoàn toàn xa lạ. Biết tàu của tôi tới Odense sẽ bị trễ hơn hai giờ so với bữa tối, gia đình anh (gồm con trai và con gái) vẫn chờ chúng tôi. Tôi cảm nhận sự ấm áp của anh ngay từ những dòng tin nhắn đầu tiên: Nếu em muốn, hãy cùng ăn tối ở nhà hàng gần nhà tôi, cùng những đứa trẻ của chúng ta. Tôi mời bữa này. Em có thể nói em và con muốn ăn gì, tôi sẽ gọi điện đặt món trước.

Như người trong nhà, như thể thân quen từ rất lâu, gia đình anh đón chúng tôi theo cách ấy. Con gái anh, Sigrid, nhường phòng ngủ cho khách, sang ngủ cùng bố. Sáng dậy hay tối đến, anh luôn mang tới một cốc trà nóng đặt ở bàn cho tôi. Khi Chresten đi làm, tôi và con trai sẽ đi chơi loanh quanh Odense. Tối đến, tôi nấu món Việt Nam, rồi chúng tôi ngồi ăn bên ánh nến cùng thứ ánh sáng dịu nhẹ, ấm áp của ngọn đèn phòng, nói chuyện về quê hương tôi, quê hương họ, và nước Đức tôi đang sống. Hóa ra "hygge" là như thế này, là cảm giác vui vẻ, ấm cúng, an toàn bên những người chưa từng quen biết. Với một trái tim rộng mở, một tâm hồn phóng khoáng, không định kiến, bạn sẽ cảm nhận được nó, ở từng neuron cảm xúc.

Chresten đã chào đón chúng tôi bằng tất cả sự nhiệt tình, tốt bụng vô điều kiện, trong xã hội hiện đại mà người ta ngày càng hoài nghi về những mối liên kết giữa người và người, bởi sự xâm lấn của công nghệ. Tạm biệt Đan Mạch mà tôi vẫn không thể tin rằng mình vừa được một người hoàn toàn xa lạ cho ăn ở nhờ, với tất cả sự hào phóng và yêu thương đến vậy.

Đối với tôi, Đan Mạch giờ không chỉ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nữa, mà còn là quê hương của một người bạn đặc biệt, bác sĩ Chresten.