Hành du giữa chốn Du Già

Đây Du Già-Mậu Duệ, cung đường khét tiếng của dân phượt. Đây, mảnh địa lý dữ tợn, sắc lẻm, vẫn còn đầy những mảnh hoang vu vùi lấp trong quên lãng. Lao lên cao xanh, vút xuống hun hút, mảnh dẻ như con trăn ngoằn ngoèo uốn lượn, cung đường này lúc nào cũng mang đến những cú sốc ngưng tim.
0:00 / 0:00
0:00
Sự lãng quên một nơi nào đó, đôi khi, lại là ân sủng dành cho dân mê xê dịch.
Sự lãng quên một nơi nào đó, đôi khi, lại là ân sủng dành cho dân mê xê dịch.

ĐÂY Hà Giang, "thắng địa" của dân mê xê dịch, từ khi còn cưỡi bầy chiến mã hai bánh "nuốt xăng A92" bươn bả, cho đến khi ngồi trên những chiếc SUV gầm cao, hay bán tải. Ngoảnh đầu nhìn lại, ngỡ ngàng nhận ra: Quá nhiều bước chân đã đổ bộ để mài mòn mảnh đất địa đầu này, đã chồng lấp và làm thay đổi cuộc sống bản địa.

May mắn quá, vẫn còn vài "kho báu" nguyên sơ, bởi độ khó, độ nguy hiểm của cung đường, và bởi những ánh lấp lánh của chúng không dễ dàng tìm đến như Lũng Cú, Sủng Là, Đồng Văn, Mèo Vạc… Đôi khi, sự lãng quên lại là ân sủng, để khơi lại đam mê cho những hành nhân đã mòn mỏi đường quen.

Chỉ có hai đường vào Du Già. Một từ Bắc Mê sang, hai từ Mèo Vạc về. Khoảng hơn 20 năm trước, chỉ có một vài tay phượt thủ "già đời" liều mạng, không sợ đói khát và phớt lờ nguy hiểm mới dám đi. Còn bây giờ, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều, từ đường sá, trạm cấp nguyên liệu và dừng nghỉ.

Hai cung đường đều dữ dội bởi phải đi ngang lưng chừng trời. Song có lẽ, vẻ đẹp của cung Mèo Vạc qua Mậu Duệ đến Du Già diễm lệ và choáng ngợp hơn. Có khúc đường đơn thuần là đi từ đỉnh núi xuống chân núi, hoặc ngược lại, đều là những xoáy trôn ốc chóng mặt. Có đoạn lại thẳng băng nhưng lại chạy giữa hai vách núi dựng đứng, âm u khí lạnh sởn da gà.

Trước đây chỉ biết đường đi ngoằn nghoèo, gấp tay áo. Bây giờ, khi đã có "map", sẽ thấy mình đang đi trong bộ ruột của một con dê, từng lớp đường xếp lên nhau kỳ quái. Rồi lại thấy núi như bát úp, chọc thủng trời xanh, tạo nên một dải "cấm thành", ép những lữ khách thiếu tự tin phải quay lại. Bao năm rồi, nhịp tim gã du tử vẫn rung lên loạn xạ, khi thấy vạn sơn trùng điệp Du Già mở bừng trước mắt.

Muôn vàn quái thạch kỳ sơn ẩn giấu trong mây, rồi lại chợt đồng hiện dưới ánh dương quang ấm áp của một ngày giữa xuân. Một ngọn núi bị hớt một đường cong ngọt xớt, hình dáng như lưỡi rìu. Một đỉnh núi khác đen sắc đá tai mèo, tròn như cột chống trời có từ thuở hồng hoang. Càng nhìn, càng thấy kính sợ ngọn núi và những mãnh lực nghìn năm đã tạo ra thạch trận thiên niên ấy.

Hành du giữa chốn Du Già ảnh 1
Chốn hành du thưa vắng dấu chân người.

DŨNG cảm ngoặt tay lái vào một lối lạ, kiếm đường lên bản, chợt thấy con đường biến mất. Không gian yên tĩnh vang lên tiếng rào rào của một con thác. Xuống xe, lần bước trên đường mòn, chợt thấy một thạch đạo hiện ra. Một con đường gập ghềnh đá xanh, chất đá trơ trơ cả nghìn năm tuổi.

Đá ở đó thật kỳ lạ, chúng như chiếc bánh nghìn lớp, với các thớ đá bị chẻ ngang phiến bởi đao phong kiếm vũ, sắc lạnh khôn cùng. Nhưng các lớp đá vẫn lì lợm nằm đây bất chấp nước chảy, mưa xói bào mòn. Rồi, những phiến đá rộng như chiếc bàn lớn nhẵn thín đó cứ điềm nhiên nằm ngơi nghỉ dọc đường nước xuống. Đến một vũng nước xanh mầu phỉ thuý, trong veo, nhìn thấu đáy đá, từ độ cao năm mét, một dòng thác trắng xóa như con bạch long thần thoại, nhẹ nhàng trườn qua năm bậc đá, xuống tiếp nước cho mảnh kính hồ và con suối dẫn về hạ lưu.

Nắng ấm chan hòa càng khiến mầu trắng của thác thêm lóng lánh, mầu xanh của chiếc hồ nhỏ thêm biêng biếc. Bất chấp cái lạnh đầu xuân với gió sâu nước thẳm, cả lũ đi hoang lao xuống, đầm mình trong khối trong veo đó. Tiếng thác dường như cũng biến mất, khi tâm trí và thể xác hoàn toàn trống rỗng, trong cái nghi lễ thanh tẩy bất chợt đầy khoái cảm thoát xác, như những bậc du già (Yoga) giữa rừng núi Du Già.