"Sống chậm" ở Bagan

Đi được một quãng, tôi mới hỏi gã "horse-cart" (tức phu xe, theo cách gọi của dân du lịch ở đây): "Đi đâu?". Như được bật công tắc, gã kể phăm phăm những địa danh đã trở thành thương hiệu của Bagan: nào là ngắm hoàng hôn, nào là xem khinh khí cầu, nào là đền này, chùa kia… "Đâu cũng được, cho tôi đến nơi nào ít người nhất".
0:00 / 0:00
0:00
Bagan đẹp nao lòng.
Bagan đẹp nao lòng.

CHÚNG tôi trèo lên một ngọn Stupa (chùa tháp) vắng vẻ, trước nửa giờ so với "giờ vàng" ngắm mặt trời lặn. Ngọn Stupa trống trải, vắng đến nỗi có thể nằm ườn ra trên các bậc thềm (nếu tính luôn hai chúng tôi thì chỉ có bốn người). Ấy vậy mà chỉ khoảng 20 phút sau, tôi đã phải trố mắt nhìn khán giả lục tục kéo đến. Đến khi "show diễn" mở màn, đỉnh Stupa đã ken kín người. Máy ảnh, điện thoại, Go-Pro chớp nháy liên tục.

Lúc trèo được xuống đất, tôi mắng té tát: "Vậy là vắng của anh đó hả?". Gã nhăn nhở cười hềnh hệch: "Vắng đó. Chỗ này không có trên bản đồ. Chứ mấy ngọn nổi tiếng, ông còn không leo được lên nữa kìa!".

Vậy chỗ nào tôi có thể "sống chậm" được? - Tôi vừa cười vừa khịa. Gã trợn mắt: "Ông sống chậm được thì chúng tôi ăn gì?".

Vài tuần trước đó, lúc mới manh nha ý định đi Myanmar, tìm kiếm thông tin trên mạng, tôi được nghe nhiều, thấy nhiều về những tuyên ngôn đại loại: "Sống chậm ở Bagan" hay "Lạc lối ở Burma"… Kèm theo đó là những bức ảnh, câu chuyện đầy tâm trạng. Bagan hiện lên như một nơi hoang vắng, chỉ có nắng, gió và cát bỏng mặt. Xa xa là khối kiến trúc cổ lừng lững uy nghiêm, khoác lên mình lớp bụi vàng của thời gian. Nó khiến Bagan chuyển mình (từ trong tâm thức người đọc) thành một thánh địa cho những lữ khách đa sầu, đa cảm.

NHƯNG đến đây rồi, tôi không chắc liệu rằng người ta có thể "sống chậm" ở Bagan hay không? Tôi chỉ thấy Bagan là một phế tích được bảo toàn nguyên vẹn với những ngọn Stupa vươn cao chất chứa thăng trầm của thời cuộc. Ở nơi đó, đã từng có những nền văn minh tồn tại, rực sáng và cũng vì thế lụi tàn theo quy luật của thời gian.

Giờ đây, Bagan là du lịch, Bagan là du khách. Bagan là nơi mọi thứ đã, đang và sẽ chuyển mình theo đà tăng trưởng của một quốc gia trên đường phát triển. Bagan ấy đang đổi thay từng ngày với nền công nghiệp du lịch hiện đại phủ bóng xuống cố đô cũ kỹ. Những quán ăn rất "Tây", ngon lành và trình bày đúng điệu ẩn hiện dưới mái những túp lều tranh. Những người phục vụ đúng cách và rất lịch sự, luôn giữ khoảng cách không quá xa với thực khách, nhưng cũng không quá gần để phá vỡ sự riêng tư của họ. Những con người hiền lành, chất phác... đang bập bẹ từng câu "Hello! How are you?" với ánh mắt háo hức, mong chờ người đối diện...

Thế đó, Bagan không "sống chậm", Bagan đang thay đổi.

HÀNH trình của chúng tôi ở Bagan khép lại sau năm ngày. Không nhiều để có thể hiểu tường tận về một vùng đất với bề dày lịch sử, nhưng cũng đủ để phác họa những ký ức.

Tôi chụp say sưa khi lang thang trên hành trình ngược trở về điểm bắt đầu, chuẩn bị cho chuyến xe đêm (về Yangoon). Hơn 10 km bỏ lại sau lưng với mùi bụi, đất, cát còn nồng trên mũi. Nắng vàng mật ong trải từng vạt dài, vương khắp nơi. Cảnh vật hai bên đường vẫn đẹp đến nao lòng, cái đẹp của một vùng đất đang dùng dằng, nửa muốn mở cửa đón những luồng gió mới, nửa muốn khép lại, ôm ấp những giá trị ngàn năm.

Bạn tôi, người đã và đang sống, làm việc ở Myanmar, trầm ngâm: "Bagan, hồ Inle, Mandalay... đều đang bị đe dọa bởi làn sóng du lịch ồ ạt. Những nơi còn lại, sắp tới không biết sẽ thế nào?".

Chúng tôi không biết! Có lẽ, chỉ có thời gian mới có thể trả lời…