Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc

Ngồi xe liên tục di chuyển suốt một tuần, vượt qua 1.500km nối nhau những cung đường Tây Bắc, tôi như thấy mình chạm vào những cảm xúc mãnh liệt thiêng liêng mà Chế Lan Viên đã viết ra hơn nửa thế kỷ trước.
0:00 / 0:00
0:00
Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc

KHAU PHẠ, Mù Cang Chải, Than Uyên, Ô Quý Hồ, Mường Hum, Y Tí, Lào Cai, Bắc Hà, Xín Mần, Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Cao Bằng… Khi nghe qua lịch trình có vẻ "hành xác" này, tôi không thấy trong mình khởi lên quá nhiều cảm xúc. Lúc ấy, tôi còn tự hỏi: vì sao anh Hải An (người dẫn đường cho tôi) cứ phải cố "check in" bằng hết những địa danh?

Nhưng khi đã ngồi ôm vô-lăng trực chỉ Tây Bắc, tôi chỉ còn "nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim". Muốn thấu hiểu sự vô thường, hãy lên Tây Bắc. Mây trên Y Tí thay đổi theo từng giây một, những con đèo hiểm trở cheo leo cuốn mắt người, khiến cảnh quan thay đổi liên tục và việc lái xe trở thành một trò chơi thú vị mãi không nhàm chán.

Một cơn bão đã quét qua đây vài ngày trước. Núi sạt xuống đường, và hành trình có những lúc trở nên mạo hiểm. Có khi phải dừng xe lại cả giờ đồng hồ, chờ đến phát nản những chiếc xe tải chở đất chậm chạp chất từng đống đất đá để dọn đường cho xe qua. Một người đàn ông, chở theo sau một bé gái nhỏ, đến hỏi cái đám mặt dài thườn thượt chúng tôi: "Có một con đường nhỏ vòng qua chỗ này, hơi xa nhưng đi được, các anh muốn đi không?".

Chúng tôi lại lên đường. Chiếc xe băng qua một con đường làng đẹp khủng khiếp, như hiện ra từ nghìn năm trước. Con đường này bình thường không cho xe bốn bánh đi qua vì người ta phơi lúa nhiều, nay chúng tôi được "ưu tiên", như đi qua một con "đường thoát hiểm". Lòng tôi bỗng dậy lên cảm giác biết ơn… cơn bão. Nếu con đường chính không bị tắc nghẽn, làm sao chúng tôi biết được một hành trình mới nao lòng đến vậy.

Trên xe, rất tiếc, chỉ còn có một thanh kẹo. Chúng tôi tặng cô bé gái thanh kẹo ấy, vào giây phút chia tay hai cha con. Mong thanh kẹo không làm cho cô bé sún răng. Nhưng kể cả sún răng thì… cũng có sao đâu, hẳn nụ cười ấy sẽ rất đẹp và duyên, theo cách khác.

TÂY BẮC hùng vĩ chọc trời, hiểm trở cheo leo, nhưng cũng hiền hòa vô hạn. Chúng tôi thường xuyên đi ngang qua những người thanh niên ngồi trên bãi lúa, ngắm đàn trâu thong thả gặm cỏ ở phía xa xa. Họ cứ ngồi thế, nhìn mặt trời rơi xuống những hẻm núi. Chúng tôi gặp hai đứa trẻ ngồi trên vách đá sát cung đường Mã Pí Lèng nổi tiếng. Chúng nhìn hoàng hôn trôi lững lờ qua vực Tu Sản, nhìn trăng đã kịp lên ngay khi mặt trời còn chưa chìm xuống dòng sông Nho Quế, cái điện thoại thì đang bật một bài hát dân ca. Giây phút đó, chúng tôi thấy sao mà chúng… giàu có biết bao! Cả bọn phải bay từ mọi miền về Hà Nội, một người bạn còn "vác" nguyên cả chiếc xe bán tải từ Kon Tum ra để đi chơi, trong khi bọn trẻ này luôn được thấy chập trùng sơn kỳ thủy tú trước mắt, hằng ngày.

MÃI chạy theo những "deadline", vùi đầu trong những cuộc họp, tôi đã bao lần quên mất thế giới ngoài kia có thể làm ngân lên những khúc hoan ca bất tận như thế nào. Và sự sáng tạo dường như cũng trỗi dậy từ những nhịp lăn bánh, sau mỗi khúc cua. Đó là lúc tôi mới thấm thía những lời thơ năm nào đã khắc ghi trên ghế nhà trường:

"Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia".

Và có riêng gì Tây Bắc đâu, những mảnh hồn thất lạc của chính ta vẫn đang chờ ta đâu đó, miễn ta đủ dũng khí để lên đường.