Bạn của nhà giàn

DK-1/10 trên bãi cạn Cà Mau là nhà giàn cuối cùng, trong chuyến hành trình hơn 10 ngày lênh đênh của chúng tôi. Cuối năm nào cũng thế, những chuyến ra thăm, chúc Tết các nhà giàn trên thềm lục địa đều là những cuộc "thử sóng", cùng những khoảng thời gian chờ đợi cả vận may, xem mình có thể đặt chân lên được với nhà giàn nào – điều chẳng ai biết trước. Và ngay cả vùng biển được đánh giá "êm ái nhất" như bãi cạn Cà Mau, thì cũng chưa bao giờ là thử thách dễ dàng.
0:00 / 0:00
0:00
Trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Nghiệp đứng gác ở DK-1/10.
Trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Nghiệp đứng gác ở DK-1/10.

Dăm ba lần sóng đập ầm ầm ở chân cột, thêm vài bận hò nhau "chắc tay chắc chân" khi bước lên bậc thang, chúng tôi mới vỡ oà khi đặt chân tới pháo đài nhỏ nhoi thềm lục địa. Cánh lính nhà giàn ào tới chào hỏi. Đại úy Bùi Văn Minh chạy lại hớn hở: "Chị ơi, ở lại lâu lâu nhé".

Nhà giàn canh biển xa, nên cũng ít người qua lại. Lâu lâu, anh em mong người đất liền đến, như mong người thân. Ai cũng được, nhà đều quý. Mỗi sự sống trên pháo đài canh biển này, đều trở nên đáng giá vô cùng.

Minh chỉ hai con gà trống nằm tít trong góc chuồng, bảo "nhà nuôi để gáy". Mỗi sáng, tiếng gà sẽ làm cánh lính vơi nỗi nhớ đất liền. Bao nhiêu bận rằm rồi mồng một, hai con gà đặc biệt vẫn được chăm chút tới béo mầm, chỉ vì tiếng gáy quý giá đó. Minh mắng yêu: "Chúng nó giờ anh chị lắm, đánh nhau hết với lũ gà mới chị ạ". Còn trên mấy xà ngang, mấy con chim kêu lích chích. Chim theo ghe cá đến rồi ở lại. Lâu dần, chúng cũng trở thành những thành viên của giàn. "Chúng nó láo lắm, toàn phá hết rau của bọn em, trông thì vui mà bọn em khổ", Trung úy Nguyễn Văn Nghiệp phân trần. "Hờn dỗi" thế thôi, nhưng thi thoảng nghe tiếng ríu rít thì lúc đứng gác, cánh lính cũng thấy đỡ cô đơn.

Bạn của nhà giàn ảnh 1
Đại úy Bùi Văn Minh chăm vườn rau trên nhà giàn.

Bạn của lính nhà giàn còn có cả lũ cá. Nghiệp xòe điện thoại, khoe hình một con cá mập hoa. Người ở bãi cạn Cà Mau vẫn kể là vùng biển này có một con cá mập hoa rất khôn, thường xuất hiện vào những ngày lễ lớn. Năm rồi đúng dịp 2/9, anh em nhìn thấy con cá mập hoa lượn lờ dưới chân giàn, quẫy nửa ngày rồi mới bơi đi. Con cá chả nói câu nào, hẳn nhiên là thế, nhưng có cái tên đầy nữ tính: "Con Hoa". Cuối năm sóng lớn, con Hoa cũng không thấy ghé lại. Chắc nó đang kiếm ăn đâu đó cho qua mùa biển động rồi mới về chơi.

"Lặng im nghe sóng kể

Chuyện của lính nhà giàn

Giữa mênh mông trời bể

Lẻ loi và gian nan"

Lần nào tới nhà giàn, chúng tôi cũng nghe bài thơ đó. Lẻ loi thật, gian nan thật, nhưng lạc quan và yêu đời. Mỗi sự sống, đều thấy những niềm vui lấp lánh. Làm gì có bão giông nào thắng được lính nhà giàn đâu!

Nhà giàn DK-1/10 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, nằm trên vùng Biển Tây, cách cửa biển Sông Đốc-Cà Mau 92 hải lý. Đây là vùng biển năm xưa, đội Bắc Hải được cử đi làm nhiệm vụ, khẳng định chủ quyền. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, khoảng năm 1776, đội quân Bắc Hải được thành lập, địabàn hoạt động mở rộng ngoài Trường Sa, Hoàng Sa, kéo dài từ khu vực biển Côn Sơn tới các đảo thuộc vùng Hà Tiên.