Là một trong ba nền văn hóa cổ đại của Việt Nam (gồm Đông Sơn ở miền bắc, Sa Huỳnh ở miền trung và Óc Eo ở Nam Bộ), đến nay thông qua khối lượng hiện vật phong phú khai quật được đã phần nào chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau công nguyên tại đồng bằng Nam Bộ, gắn với khu vực châu thổ hạ lưu sông Mê Kông.
Năm 2012 Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê (nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc
Giá trị của một nền văn hóa có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc rất cần được bảo tồn và không ngừng lan tỏa, phát huy giá trị trong đời sống hôm nay, nhất là trong thế hệ trẻ. Ý thức sâu sắc về điều đó nên ngay khi Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ năm 2016, trong thiết kế chương trình đón tiếp khách tham quan,
Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (Ban quản lý) đã chú trọng đến nhiều đối tượng để có nội dung phù hợp. Tiêu biểu có thể kể đến các chương trình “Vui Xuân cùng văn hóa Óc Eo” nhân dịp đầu năm mới, tổ chức nhiều trò chơi liên quan đến Văn hóa Óc Eo bằng cách trình chiếu PowerPoint; triển lãm lưu động trưng bày một số hiện vật tiêu biểu; tổ chức hội thảo và tọa đàm giúp nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa Óc Eo cho cộng đồng,...
Các em học sinh tham gia trải nghiệm văn hóa Óc Eo tại khu di tích. |
Bên cạnh đó Ban quản lý cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức phong phú đa dạng như: tổ chức các buổi tuyên truyền tại chỗ và lưu động, phát tờ rơi; tăng cường quảng bá về văn hóa Óc Eo và các hoạt động liên quan trên các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội,...
Riêng với nhóm đối tượng người trẻ, Ban quản lý quan tâm thiết kế các chương trình, hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi, có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục. Nổi bật có thể kể đến việc đưa văn hóa Óc Eo vào chương trình giảng dạy tại trường học, từ đó giáo dục thế hệ trẻ về di sản văn hóa của địa phương, hay các khóa học trải nghiệm hè kéo dài 2 tháng dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông,...
Bên cạnh đó là các chương trình “Trải nghiệm cùng văn hóa Óc Eo”, “Em là nhà khảo cổ”, “Em là thuyết minh viên”, “Vui hè cùng văn hóa Óc Eo”,… được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình và phụ huynh đánh giá cao.
Các em học sinh quan sát các hiện vật được trưng bày tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. |
Tham gia các chương trình lồng ghép khéo léo giữa “chơi mà học-học mà chơi” các em học sinh đã được bổ sung nhiều kiến thức quý giá về đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân văn hóa Óc Eo, từ đó có thêm niềm tự hào đối với di sản văn hóa vô giá mà cha ông đã để lại. Đáng mừng là các hoạt động do Ban quản lý tổ chức đã thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều trường học trong và ngoài tỉnh, qua đó giá trị văn hóa của dân tộc không ngừng được lan tỏa trong thế hệ trẻ.
Tham gia “truyền lửa”
Phía sau các hoạt động ý nghĩa của Ban quản lý luôn có bóng dáng của Giám đốc Nguyễn Hữu Giềng - được ví như người “truyền lửa”, với cách làm việc năng động, sáng tạo, quyết không để di sản “ngủ quên”. Nhiệt huyết từ Ban lãnh đạo, nhất là giám đốc Nguyễn Hữu Giềng đã truyền sang cho đội ngũ nhân viên trẻ công tác tại đây.
Trong chuyến công tác tại di tích Óc Eo-Ba Thê ở Thoại Sơn, chúng tôi đã gặp một gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ trẻ năng nổ, nhiệt huyết công tác tại Ban quản lý, đó là Trương Minh Thuận. Thuận thuộc thế hệ gen Z (sinh năm 1999), hiện là hướng dẫn viên Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo.
Là một người con của mảnh đất Thoại Sơn, An Giang, hằng ngày được chia sẻ với du khách thập phương về những giá trị di sản vô giá của mảnh đất quê nhà là niềm hạnh phúc vô bờ đối với Thuận.
Trương Minh Thuận đang thuyết minh hướng dẫn cho các bạn trẻ đến tham quan Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. |
Thuận kể, mình từng có dự định sẽ học chuyên ngành du lịch, nhưng khi làm hồ sơ tuyển sinh đại học thì Thuận lại tò mò về ngôn ngữ bởi vậy đã quyết định chọn ngành Ngôn ngữ Khmer của Trường Đại học Trà Vinh. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Khmer hệ chính quy, Thuận trở về quê nhà, công tác tại Đoàn Thanh niên xã Vọng Đông.
Sau 2 năm làm cán bộ đoàn, Thuận biết tin Ban quản lý tuyển dụng nên đã nộp hồ sơ và trúng tuyển. Điều khiến Thuận thấy hào hứng đó là được Ban lãnh đạo phân công về “Tuyên truyền-Giáo dục” và thuyết minh tại Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo. Từ đây niềm đam mê hướng dẫn viên du lịch vốn ấp ủ từ thuở trước được đánh thức nên đã mang đến cho Thuận những cảm xúc khó tả.
Thuận tâm sự: “Điều tôi phấn khởi và hứng thú đó chính là được truyền tải thông tin đến mọi người về một nền văn hóa cổ đại được đánh thức bởi các nhà khảo cổ học cách đây hơn 2000 năm. Bên cạnh đó, tôi còn được tiếp xúc với nhiều Nhà nghiên cứu tạo cho tôi những thông tin về hiện vật và các điểm di tích, được tiếp xúc trực tiếp với các di vật và di tích của nền văn hóa Óc Eo. Khi là một người truyền cảm hứng, chia sẻ với mọi người từ nhiều nơi và được nhìn thấy cảm xúc hào hứng trải nghiệm của du khách chính là niềm vui, hạnh phúc của tôi. Tôi tự hào khi có thể góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của quê hương”.
Cũng như nhiều người thuộc thế hệ gen Z, Thuận thích sử dụng mạng xã hội. Một trong những nội dung thường xuyên được Thuận chia sẻ trên trang cá nhân đó là các hình ảnh, thông tin giới thiệu về văn hóa Óc Eo.
Thuận cho biết những nội dung mình đăng tải đã nhận được nhiều tương tác, bình luận và chia sẻ, cho thấy giới trẻ hiện nay rất hiếu kỳ về nền văn hóa Óc Eo nên đã tổ chức những chuyến tham quan đến trực tiếp nhìn và cảm nhận sâu sắc về nền văn hóa này. Từ đó, những người trẻ bắt đầu có ý thức rõ rệt hơn về việc cần phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương.
Những thay đổi tích cực
Chính nhờ sự quyết liệt trong tư duy, hành động, sáng tạo trong cách làm của Ban quản lý đã giúp những giá trị của nền văn hóa Óc Eo ngày càng được nhiều người biết đến.
Nếu như trước đây nhiều người dân, ngay kể cả những người đang sinh sống tại khu vực có di tích văn hóa-lịch sử Óc Eo-Ba Thê còn hiểu biết khá mơ hồ, thậm chí không quan tâm đến vấn đề này thì hiện nay, nhờ có các hoạt động tuyên truyền của chính quyền địa phương, các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Ban quản lý đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân, từ đó giúp bà con nhìn nhận được tầm quan trọng của nền văn hóa Óc Eo, không chỉ là tài sản văn hóa mà còn là bản sắc của cả một dân tộc.
Nhiều bạn trẻ sau khi trực tiếp trải nghiệm tại di tích văn hóa - lịch sử Óc Eo-Ba Thê đã tiếp tục giới thiệu cho người thân, bạn bè đến tham quan. |
Nhận thức thay đổi dẫn đến hành vi cũng thay đổi. Điều này thể hiện bằng việc ngày càng có nhiều người dân cùng tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo như: tìm kiếm và nộp các hiện vật thu giữ được trong quá trình lao động sản xuất về cho Ban quản lý, các bậc phụ huynh có ý thức tuyên truyền cho con em mình về ý thức bảo vệ di tích,...
Đồng thời, nhiều người dân địa phương đã nhận ra tiềm năng kinh tế từ việc phát triển du lịch dựa trên văn hóa Óc Eo nên đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan. Nhiều người dân, trong đó có sự tham gia tích của của giới trẻ đã phát huy vai trò như một “đại sứ văn hóa” của quê hương thông qua các việc làm ý nghĩa như quảng bá, giới thiệu, mời gọi người thân, bạn bè đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó một vùng đất chứa đựng giá trị di sản vô giá có nguy cơ bị lãng quên đang từng bước được hồi sinh và phát huy vai trò trong đời sống hôm nay.