Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức nhằm hướng tới nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa Óc Eo. Đồng thời, tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên; cung cấp thêm những bằng chứng, các dữ liệu khoa học liên quan đến di sản văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á; làm sáng tỏ hơn những giá trị nổi bật của Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê (tỉnh An Giang) trong việc xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và góp phần thiết thực vào chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích Óc Eo-Ba Thê trong tương lai.
Đến dự hội thảo có 160 đại biểu đến từ các bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các viện trường; các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học trong và ngoài nước, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tại sự kiện, ban tổ chức trưng bày 158 hiện vật Văn hóa Óc Eo, trong đó nổi bật có hai Bảo vật Quốc gia gồm: Phù điêu phật Linh Sơn Bắc và Nhẫn Nandin Giồng Cát.
Trưng bày hiện vật Óc Eo tại hội thảo. |
Có thể nói, Đề án Óc Eo đã tập hợp số lượng các nhà nghiên cứu lớn nhất; cập nhật đầy đủ và toàn diện nhất về tư liệu nghiên cứu; tiến hành khảo sát, thăm dò và khai quật với tổng diện tích lớn nhất, quy mô nhất với các phương tiện, phương pháp tiên tiến; phát hiện khối lượng di tích, di vật lớn nhất; đạt được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về địa tầng, tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo-Ba Thê trong không gian, thời gian văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin, An Giang có hai di tích văn hóa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đó là Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu Di tích Óc Eo-Ba Thê. Cách đây gần 80 năm, Di tích Văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu tiên vào ngày 10/2/1944. Kể từ đó đến nay, nhiều địa phương trong vùng Nam Bộ, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long qua thời gian, đã liên tục khám phá và phát hiện ra nhiều di tích, di chỉ có giá trị mới thuộc nền Văn hóa Óc Eo; nhưng tiêu biểu và quan trọng nhất vẫn là quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê thuộc tỉnh An Giang ngày nay.
Chính những giá trị quan trọng của Khu Di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê; vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chủ trương giao cho tỉnh An Giang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, tiến hành lập Hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
: Khai quật khu di tích Óc Eo-Ba Thê. |
An Giang mong muốn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là sớm được UNESCO công nhận Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là Di sản Văn hóa thế giới, để tỉnh An Giang có được một Di sản Văn hóa vật thể của nhân loại, đồng thời cũng là Di sản thế giới đầu tiên của Khu vực Nam Bộ.
Theo Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê (huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang), Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang)”.
Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ (2017-2020), kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.
Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của đề án có nhiều phát hiện mới rất quan trọng, khẳng định Óc Eo-Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam.
Những phát hiện nêu trên cho thấy, với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo-Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển và mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á, mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á.