Theo đó, có 12 Dự án khởi nghiệp của 8/18 tỉnh, thành phố được tham gia cuộc thi chung kết cấp vùng khu vực miền nam. Trong đó, có 1 thí sinh người dân tộc thiểu số và 2 thí sinh là phụ nữ khuyết tật.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết: Những Dự án tham gia vòng chung kết là những Dự án xuất sắc đã vượt qua vòng loại chấm điểm rất khoa học, nghiêm túc, công minh của Ban giám khảo là những chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Trong đó, có những dự án nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo, do không chỉ đáp ứng yêu cầu tiên quyết về hiệu quả kinh tế của một dự án khởi nghiệp mà còn góp phần khôi phục một số nghề truyền thống đang có khả năng mai một. Từ đó, thay đổi tư duy làm ăn của bà con “duy trì nghề truyền thống nhưng loại bỏ thói quen lạc hậu để tiếp cận công nghệ mới”.
Đồng thời, có những dự án bền bỉ qua gần 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, qua nhiều lần thất bại nhưng với các tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, minh chứng tình yêu với thiên nhiên và sức sáng tạo và đã được khẳng định trên thị trường.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho 2 Dự án khởi nghiệp tại cuộc thi |
Ngoài ra, những dự án được thực hiện bởi những người phụ nữ khuyết tật, với ý chí, nghị lực phi thường, không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác, trong đó có nhiều lao động là người khuyết tật.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các dự án tham dự vòng chung kết.
Dự án Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết của chị Trương Thị Bạch Thủy đến từ tỉnh Sóc Trăng xuất sắc đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi.