Công nghệ canh tác thông minh là một xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại, sử dụng các thiết bị điện tử, viễn thông, máy tính và trí tuệ nhân tạo để giám sát, điều khiển và tối ưu hóa quá trình canh tác, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ canh tác thông minh là một lĩnh vực tiềm năng và hấp dẫn cho các bạn sinh viên và các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Hội thảo nhằm giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về công nghệ canh tác thông minh và cách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này; đồng thời, những nhà nông 4.0 cũng chia sẻ về những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bài học của mình trong việc áp dụng và phát triển công nghệ canh tác thông minh.
Nông nghiệp thông minh công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng được các nhu cầu về kỹ thuật chuyên môn. Đó là sự kết hợp của công nghệ số, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, phát huy tối ưu các lợi điểm, tiềm năng về tài nguyên bản địa, nguồn lực trẻ dồi dào và hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng, cần phải có sự kết nối, hợp tác giữa các nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Đây là là yếu tố thiết yếu trong quá trình xây dựng chuỗi sản xuất và phân phối nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững của thành phố Đà Nẵng.
Vì vậy, Hội thảo cũng là dịp để tạo cơ hội tiếp cận công nghệ của nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, khuyến khích mở rộng các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp có tính hiệu quả và hiện đại. Góp phần tạo ra môi trường thuận lợi và khuyến khích các bạn sinh viên, bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Tại hội thảo, các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công cũng được giới thiệu như: Sản xuất nấm công nghệ cao; mô hình Aquaponic kết hợp hữu cơ; nấm đông trùng hạ thảo; Ứng dụng Drone và mục tiêu số hoá dữ liệu nông nghiệp; cùng các mô sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu nông nghiệp: Nước uống từ thân cây chuối, trà gừng, nghệ; sản phẩm công nghệ sinh học…
Anh Đào Duy Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Công nghệ Hoà Thọ Tây chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp thành công mô hình sản xuất nấm rơm công nghệ cao của mình. Đến nay, mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường khoảng 6 tạ nấm, trừ hết chi phí thu về 40 triệu đồng. Và với ứng dụng công nghệ, nấm rơm của anh sản xuất quanh năm, không còn lo lắng về thời tiết.
Anh Tùng chia sẻ: “Từ đầu tôi đã xác định ứng dụng công nghệ vào nghề trồng nấm của mình, bởi tôi biết mình cần phải đổi mới, việc này giúp nghề nông cũng nhàn rỗi hơn, bảo đảm đầu ra và ổn định giá cả. Với mô hình của mình, hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao mô hình để tất cả mọi người muốn khởi nghiệp hoặc muốn trồng nấm đều có thể làm được”.