Giúp thanh niên khởi nghiệp

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập. Thời gian qua, sự phối hợp giữa Tỉnh đoàn Quảng Trị và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị trong vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ vốn tín dụng chính sách luôn được đặc biệt quan tâm và hoạt động hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách cho thanh niên năm 2023 tại huyện Vĩnh Linh.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách cho thanh niên năm 2023 tại huyện Vĩnh Linh.

Nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả

Hằng năm, tỷ lệ thanh niên bước vào tuổi lao động cao cho nên công tác hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng. Cách đây một năm, anh Võ Văn Tùng, sinh năm 1990, đoàn viên Chi đoàn thôn Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng 50 triệu đồng, góp cùng số vốn dành dụm được để mở xưởng sản xuất nhôm kính bằng công nghệ mới na-nô.

Xưởng của anh sản xuất các sản phẩm được sử dụng rộng rãi, như cửa ra vào, cửa sổ, vách kính văn phòng để lấy ánh sáng tự nhiên. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho tám lao động với mức lương theo tay nghề từ 5 triệu đến 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh đã ký hợp đồng đơn hàng cung cấp sản phẩm cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến năm 2025 và đang chuẩn bị mở rộng xưởng lên 700 m2 để đủ diện tích sản xuất.

Nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát làm thị trường cộng với sự tinh tế trong các thiết kế, chú trọng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp cho nên công việc kinh doanh của anh Tùng ngày càng thuận lợi. Ngoài việc có thu nhập, trả lãi hằng tháng, anh đã trả được một phần nợ gốc theo hình thức gửi góp tại ngân hàng. Anh Tùng chia sẻ, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp thanh niên lập thân, khởi nghiệp tạo động lực để bản thân không chỉ có việc làm mới, thu nhập ổn định, mà còn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thanh niên khác.

Mạnh dạn tiếp cận đối tượng nuôi mới, anh Trần Công Hiếu, Bí thư Chi đoàn thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lộ tiên phong triển khai nuôi ốc bươu đen giống, thịt (còn gọi ốc nhồi) mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Anh Hiếu cho biết, trong thời gian làm việc cho một công ty xây dựng tại Lào, anh thấy người dân ở đây thường thu gom ốc bán qua Việt Nam với giá lên đến 100.000 đồng/kg.

Từ đây, anh nhen nhóm ý tưởng nuôi ốc bươu đen bởi đây là hướng phát triển tiềm năng. Để có kiến thức về con giống, cách chăm sóc, ngoài tìm tòi, học hỏi qua internet, anh Hiếu còn tìm đến các mô hình đã thành công trong khu vực xin học tập kinh nghiệm. Đầu năm 2021, anh quyết định cải tạo mảnh đất vườn rộng gần 2.000 m2 xuống giống 2 vạn con ốc đen. Tuy nhiên, bước đầu khởi nghiệp lại không dễ dàng như anh nghĩ, gần như toàn bộ số ốc giống thả nuôi đợt đầu bị chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không nản chí, vừa rút kinh nghiệm anh Hiếu vừa đến Trạm Khuyến nông huyện để được hướng dẫn thêm về kỹ thuật, đồng thời cải tạo lại ao nuôi kỹ càng và tiếp tục thả nuôi 100 nghìn con ốc giống.

Đến đầu năm 2022, lứa ốc giống này bắt đầu đẻ trứng. Anh Hiếu lấy trứng ốc đem ấp để tiếp tục tạo nguồn ốc giống. Hiện tại ao nuôi ốc của anh gồm 2 loại, có 8 ao đất rộng 3.000 m2 và bốn ao bê-tông rộng 120 m2. Theo anh Hiếu, ốc bươu đen cung cấp không đủ nhu cầu bởi thị trường khan hiếm. Trung bình một tháng anh xuất bán khoảng 50 kg ốc thương phẩm và hơn 5 vạn ốc giống, mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Hiếu mong muốn mở rộng mô hình, thu mua lại toàn bộ ốc thịt của các hộ nuôi ốc trên địa bàn để chế biến thành sản phẩm ốc thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm và sản xuất ốc giống của anh Hiếu đã mở ra hướng đi mới cho thanh niên Quảng Trị trong việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Nhu cầu vay vốn lớn

Thanh niên vay vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế là một trong nhiều điểm sáng được ghi nhận về hiệu quả hoạt động của Tỉnh đoàn Quảng Trị trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị Trần Thị Thu cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp cơ sở đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có hoạt động ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị; củng cố, nâng cao chất lượng làm việc của các đơn vị nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng hiệu quả của dự án vay vốn.

Đồng thời, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp cơ sở đoàn tích cực tuyên truyền, lồng ghép tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng các điển hình, mô hình của đoàn viên, thanh niên giúp nhau làm kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu. Đáng nói nhất là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cấp cơ sở tổ chức bình xét đối tượng được hưởng thụ bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng chủ trương; giúp các trường hợp vay tiếp cận với vốn tín dụng chính sách kịp thời, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn.

Theo bà Thu, hiện toàn tỉnh có hơn 4.500 thanh niên được vay vốn tín dụng ưu đãi để đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm. Nhu cầu được vay vốn tín dụng chính sách của thanh niên Quảng Trị rất lớn. Hai anh Võ Văn Tùng và Trần Công Hiếu mong muốn được vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi nhiều hơn mức 50 triệu đồng và 100 triệu đồng mà họ được vay trong thời gian qua. Đây cũng là mong muốn của nhiều thanh niên Quảng Trị.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho các đối tượng là thanh niên tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng lớn như: Tín dụng hộ nghèo; tín dụng hộ cận nghèo; tín dụng hộ mới thoát nghèo; tín dụng giải quyết việc làm; tín dụng đối với vùng khó khăn; tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chi nhánh luôn chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện phối hợp với Đoàn Thanh niên cơ sở hoàn thiện kịp thời hồ sơ theo hướng dẫn để giải ngân kịp thời vốn vay.

Với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã triển khai một cách kịp thời và nhanh chóng. Tính đến nay tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại ngân hàng ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý đạt hơn 203 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Hiện tại nhu cầu của thanh niên được vay vốn để phát triển là rất lớn nhưng nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách đối với thanh niên tại nhiều địa phương vẫn còn một số khó khăn...

Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho thanh niên lập thân, khởi nghiệp từ vốn tín dụng chính sách, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực nhiều hơn nữa từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho thanh niên vay.

Cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngân hàng để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.