Tinh thần "Ðồng khởi của đội quân tóc dài năm xưa" trong cán bộ, hội viên phụ nữ đã tiếp tục đóng góp vào thành công của phong trào "Ðồng khởi khởi nghiệp", tiến tới xây dựng tỉnh Bến Tre thành "địa phương khởi nghiệp"…
Nhiều mô hình hiệu quả
Cô giáo Ngô Song Ðào, sinh năm 1971, giáo viên dạy môn Sinh học, Trường tiểu học-trung học cơ sở Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, đã dày công nghiên cứu từ thực tế giảng dạy của mình để sản xuất nhang sinh học từ cây quao nước thân thiện với môi trường. Năm 2017, dự án khởi nghiệp của cô giáo vùng sâu này đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia. Từ thành công ban đầu, cô giáo Song Ðào mạnh dạn thành lập công ty để sản xuất sản phẩm lấy tên nhang sinh học Thiên Phúc và đăng ký độc quyền sáng chế.
Cô Song Ðào cho biết: "Từ chương trình "Ðồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp" của tỉnh, mình được Dự án phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu hỗ trợ hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc phát triển sản xuất. Sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng 4 sao và tạo việc làm cho gần 10 phụ nữ nghèo tại địa phương có thu nhập ổn định".
Với những thành tích đạt được, cô giáo Song Ðào vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các ngành. Năm 2020, cô giáo Song Ðào còn vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam do Quỹ giải thưởng tài năng nữ Việt Nam trao tặng.
Chuyện khởi nghiệp của chị Huỳnh Thị Tuyết Mộng, sinh năm 1985, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xuất phát từ chính niềm đam mê đi du lịch trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Sau nhiều năm làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, Tuyết Mộng cùng chồng quyết định về quê khởi nghiệp bằng dự án du lịch Homestay "Về Nhà" trên diện tích đất gần 1ha của gia đình. Tuyết Mộng chia sẻ: "Homestay Về Nhà nằm trong một khuôn viên nhỏ bên dòng sông thơ mộng mang lại cho du khách cảm giác như chính ngôi nhà của mình. Tại đây, du khách được thưởng thức cảnh sông nước yên bình, những món ăn dân dã tươi ngon, khung cảnh lãng mạn, những trò chơi dân gian đã bỏ quên đâu đó trong tuổi thơ". Ðây là Homestay có những lều ngủ rất độc đáo cho du khách. Nơi đây chỉ tiếp nhận khách du lịch đã đặt trước với số lượng khoảng 50 khách mỗi tuần. Dự án khởi nghiệp này thành công đã tạo việc làm cho tám lao động nhàn rỗi là phụ nữ ở nông thôn với thu nhập ổn định.
Từ một nông dân nghèo, ít học, bà Nguyễn Thị Thinh, sinh năm 1969, ngụ ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng sầu riêng sạch. Năm 2017, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban nhân dân xã Tân Phú, bà Thinh cùng chị em phụ nữ trong ấp thành lập tổ hợp tác phụ nữ trồng sầu riêng ấp Hàm Luông với 11 thành viên. Ðến nay, số thành viên đã tăng lên 50 người với diện tích 28ha chuyên trồng sầu riêng sạch. Tháng 12/2018, bà Thinh được cấp nhãn hiệu "Sầu riêng sạch Cô Thinh" để bán ra thị trường với giá cao. Bà Nguyễn Thị Thinh cho biết, trước đây, bà con trồng sầu riêng tại địa phương bán cho thương lái với giá bấp bênh. Có tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng cho doanh nghiệp với giá cả ổn định, thu nhập tăng lên rất cao. Mới đây, tổ hợp tác được cấp mã số vùng trồng để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, các thành viên trong tổ hợp tác có thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú". Năm 2020, bà Nguyễn Thị Thinh đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh và giải nhất cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức…
Theo Tỉnh ủy Bến Tre, trong giai đoạn 2017-2021, tỉnh đã hỗ trợ 1.239 tập thể, cá nhân khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ tư vấn, khởi sự và phát triển 279 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Ðến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 5.438 doanh nghiệp, trong đó có 1.294 doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm tại homestay "Về nhà". |
Tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, năm 2017, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình số 10 về "Ðồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp", sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 938 về thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình, đề án của tỉnh, Hội Phụ nữ các cấp ở Bến Tre đã tăng cường phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngân hàng thương mại; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" quan tâm hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí vươn lên… tiếp cận các nguồn vốn.
Tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ là 2.731 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng đã thành lập 2.804 tổ, hỗ trợ cho 85.550 phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ vốn tín dụng cho 15.715 thành viên, dư nợ cho vay 128 tỷ đồng và chương trình "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" dư nợ gần 15 tỷ đồng với 2.335 thành viên…
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của chị em phụ nữ ở Bến Tre vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới phân phối tiêu thụ của các doanh nghiệp hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Việc kết nối và đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khả thi hiệu quả còn thấp. Kinh phí hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp nữ khởi nghiệp được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại hằng năm còn ít…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, triển khai thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy Bến Tre về "Ðồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp", Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép Chương trình số 10 của Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"; chương trình mỗi xã một sản phẩm; chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ động tham mưu, phối hợp các ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2 (2022-2025) và hằng năm…