Hà Nội một góc nhìn

Trung thu mùa dịch

Tết Trung thu thường được trẻ em mong đợi nhất trong năm. Ðây là dịp các gia đình sum họp, bày mâm cỗ gồm hoa quả, bánh kẹo để cùng nhau thưởng trà ngắm trăng, còn trẻ em thì rước đèn, xem múa lân… Chính vì ý nghĩa sum vầy ấy mà Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Mọi năm, từ đầu tháng tám âm lịch, trên những tuyến phố lớn của Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ, các cửa hàng đã bày bán bánh và các loại đồ chơi, thế nên không khí Trung thu thường đến từ rất sớm. Trẻ em nao nức đếm ngược từng ngày, người lớn cũng sống trong tâm trạng xao xuyến. Chúng ta đã trải qua những Tết Trung thu vui nhộn của Hà Nội. Ðó là khi cả đất trời Thủ đô đã rợp sắc thu vàng, phố xá vốn nhộn nhịp lại càng nhộn nhịp hơn bởi những đoàn múa lân, múa sư tử diễu hành qua các con phố với tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Nhiều nơi tổ chức Trung thu sớm cho các em thiếu nhi từ trước ngày rằm hai, ba hôm, tạo không khí vui náo nức khắp phố phường, khu dân cư.

Năm nay, đã gần đến Tết Trung thu nhưng thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Các em học sinh không được đến trường trong những sớm mùa thu trong vắt, mà phải học online tại nhà, gặp cô giáo, gặp bạn bè qua màn hình máy tính, điện thoại. Phố vắng hơn rất nhiều, vì những cửa hàng bày bán đồ chơi cho trẻ em chưa được mở cửa. Những ai nhớ vị bánh, nhớ mầu sắc của đồ chơi thì có thể đặt mua online trên mạng. Trung thu năm nay hẳn là rất nhiều người sẽ buồn hơn, đặc biệt là trẻ em. Các em không được theo bố mẹ đến chợ Trung thu ở phố Hàng Mã để chọn mua một chiếc đèn yêu thích, không được cùng bạn bè trong lớp, trong khu phố phá cỗ đêm rằm… Ðúng là sẽ buồn hơn, nhưng các em cũng đã làm quen và thích nghi được với sự giãn cách này. Ai cũng hiểu sức khỏe con người là trên hết, nên mặc dù có đáng tiếc nhưng chúng ta vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, bản thân và cộng đồng.

Tết Trung thu nhưng mọi người không được ra ngoài, các em nhỏ không được tụ tập để rước đèn, phá cỗ, nhưng mỗi gia đình vẫn có thể cùng nhau làm mâm cỗ cúng gia tiên để sum họp, trò chuyện. Ðây cũng là dịp để người lớn kể cho trẻ em nghe về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Trung thu, vì có thể có những em hằng năm vẫn vui chơi đón Tết nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của ngày này. Bên cạnh sự nhộn nhịp vốn có, Tết Trung thu cũng có những khoảng lặng để chúng ta suy ngẫm về sự yêu thương, chia sẻ. Vậy nên dù năm nay không có được một Trung thu rộn ràng, nhưng rồi mỗi chúng ta sẽ tìm được một cách đón Tết riêng. Và niềm vui lớn nhất mà ai cũng hy vọng đó là dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi để trẻ em lại được đến trường với niềm vui bình dị vốn có ■ 

TUẤN LAM