Tết "trực tuyến" vẫn đậm truyền thống

Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động đón Tết, vui xuân bị ảnh hưởng. Song với mong muốn đem đến cho nhân dân một cái Tết cổ truyền giàu ý nghĩa, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội vẫn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều không gian để người dân có thể tìm về Tết xưa.

Tái hiện nghi lễ dâng lịch lên vua tại Hoàng thành Thăng Long.
Tái hiện nghi lễ dâng lịch lên vua tại Hoàng thành Thăng Long.

Không khí của Hoàng thành Thăng Long trở nên linh thiêng và trang nghiêm hơn, khi "bách quan" và "thị vệ" từ Ðoan Môn tiến vào khu vực điện Kính Thiên mang theo ngự lịch để tiến vua. Khi vào đến thềm rồng, quan Tư Thiên Giám dâng ngự lịch lên vua. Tiếp đó, là nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch. Ðây chính là hoạt cảnh tái hiện nghi lễ Tiến lịch-ban lịch đầu xuân mới của triều đình nhà Lê khi xưa. Các quan nhận lệnh, nhất loạt bái tạ và tung hô vạn tuế. Hoạt cảnh do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long thực hiện.

Theo chính sử, hằng năm, triều đình cho biên soạn lịch công của năm mới, vua phê duyệt rồi truyền cho san khắc, in ấn, đóng quyển. Ðến ngày 24 tháng Chạp, triều đình tổ chức nghi lễ tiến ngự lịch lên hoàng đế. Tiếp đó, nhà vua ban lịch cho bách quan và dân chúng để khởi đầu cho một năm làm việc, cấy trồng... Tư Thiên Giám là cơ quan chuyên trách về thiên văn, lịch pháp có trách nhiệm biên soạn lịch hằng năm. Trong  điều kiện thích ứng và bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, khu di sản chưa mở cửa đón khách tham quan, các hoạt động, nghi lễ tại Hoàng thành trong dịp Tết vẫn được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống và được ghi hình quảng bá, trưng bày trực tuyến phục vụ đông đảo du khách gần xa. Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Hôm nay tôi rất vui khi chứng kiến nhiều bạn trẻ đã tham gia nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ tiến lịch xưa, trong đó, có tham khảo nội dung bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Các trang phục, nghi lễ được tiến hành cẩn thận, thể hiện tinh thần trân trọng giá trị văn hóa truyền thống".

Ngoài nghi lễ Tiến lịch-ban lịch, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động khác trong trưng bày trực tuyến chủ đề "Tiến lịch đón xuân sang". Trưng bày đưa người xem trở về không gian ngày Tết cổ truyền với các phong tục như: Gói bánh chưng, tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết, xin chữ đầu năm… Các thông tin về Lễ tiến lịch và ban lịch còn cho biết việc triều đình rất coi trọng các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày, giờ tốt, vấn đề thiên thời, địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt. Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội còn tái hiện nhiều nghi lễ cung đình khác như: Lễ cúng táo quân, thả cá chép, lễ phong ấn, lễ dựng cây nêu…

Dịp này Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức chuỗi hoạt động tại các điểm di tích, điểm văn hóa trong phố cổ. Tại đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc), sau lễ cáo yết Thành hoàng là nghi thức dựng cây nêu. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Ðào Duy Từ) có Triển lãm tranh với chủ đề "Hổ Nhâm Dần 2022", với các bức tranh hổ của họa sĩ Nguyễn Mạnh Ðức, họa sĩ Trần Tiến Dũng, họa sĩ Võ Lương Nhi… Cũng tại đây, ban tổ chức giúp người xem tìm hiểu về không khí Tết của một gia đình xưa qua sắp đặt không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây), khách tham quan sẽ được tìm hiểu một thú chơi độc đáo của người Hà Nội xưa qua chương trình giao lưu "Hoa Thủy tiên và Những người bạn 2022". Những người có kinh nghiệm về gọt thủy tiên sẽ có buổi nói chuyện, giới thiệu về thú chơi và cách chơi hoa thủy tiên, một nét tinh tế, lịch lãm của người Hà Nội xưa. Các hoạt động chủ yếu diễn ra trong ngày 28 và 29/1 (tức 26 và 27 tháng Chạp Tân Sửu).

Ðể phòng dịch, các hoạt động đều được ghi hình, phát trực tiếp trên fanpage của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. Riêng các triển lãm về tranh, gốm, các không gian sắp đặt tĩnh sẽ được thực hiện từ giáp Tết đến hết rằm tháng Giêng. Ðây đã là năm thứ hai liên tiếp, nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật đậm chất truyền thống của thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. 

Giang Nam