Bữa cơm ấm tình

Bằng cách tổ chức chị em phụ nữ luân phiên nấu những suất ăn bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Ba Đình (Hà Nội) đã trao tặng hàng trăm suất ăn cho những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, giúp các bác sĩ, nhân viên y tế có thêm sức khỏe để chống dịch.

Bữa cơm ấm tình của chị em Hội Phụ nữ quận Ba Đình chuẩn bị để cung cấp cho các bác sĩ, nhân viên y tế làm công tác chống dịch Covid-19.
Bữa cơm ấm tình của chị em Hội Phụ nữ quận Ba Đình chuẩn bị để cung cấp cho các bác sĩ, nhân viên y tế làm công tác chống dịch Covid-19.

Chưa đến 7 giờ sáng, Chủ tịch Hội LHPN phường Liễu Giai (quận Ba Đình) Nghiêm Thúy Trang đã cùng các chị em trong Hội Phụ nữ phường Liễu Giai đi đến cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn để chuẩn bị những "Bữa cơm ấm tình". Sau khi đã lựa chọn đủ số lượng thực phẩm bảo đảm cân đối dinh dưỡng cho mỗi suất ăn, chị Trang cùng các chị em đến nhà chị Bành Thị Nhung để chuẩn bị nấu nướng. Mọi người cẩn thận đeo khẩu trang rồi phân công nhau mỗi người một việc. Câu chuyện lúc vui, nhưng cũng có lúc lắng xuống khi nói đến tình hình dịch Covid-19. Chị Nghiêm Thúy Trang chia sẻ: "Mô hình "Bữa cơm ấm tình" do Hội LHPN quận Ba Đình triển khai, nhằm cung cấp các suất ăn bảo đảm dinh dưỡng cho bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch thuộc địa bàn quận. Bữa cơm đầu tiên của CLB nữ Doanh nhân quận Ba Đình do chị Bành Thị Nhung, Chủ nhiệm CLB thực hiện. Chị Nhung trước đây là Chủ tịch Hội LHPN phường Liễu Giai, hiện là hội viên phụ nữ của phường. Vậy nên, Hội LHPN phường kết hợp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động". Trung bình, mỗi bữa, chị em phụ nữ nấu từ 10 đến 15 suất cơm, tùy thuộc nhu cầu. Sau khi nấu nướng xong xuôi, các chị bố trí một kíp khác để chuyển suất ăn đến các y sĩ, bác sĩ.

Mọi chuyện bắt đầu từ một chuyến thăm hỏi, động viên các cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Ba Đình, tham gia chống dịch. Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, Đinh Thị Phương Liên cho biết: "Có những y sĩ, bác sĩ khi cởi bộ đồ bảo hộ ra, lưng bị phồng rộp vì nắng nóng. Nhiều nhân viên y tế uống vội một hộp sữa để còn lên đường tiếp tục nhiệm vụ. Dịch bệnh cho nên nhiều cửa hàng bán đồ ăn nghỉ bán hàng, mà thời gian ăn cơm của các y sĩ, bác sĩ lại phải phụ thuộc nhiều vào công việc. Trong khi các hội viên phụ nữ đều là những người chị, người mẹ thường ngày chăm lo bếp núc gia đình, hoàn toàn có thể tổ chức để chị em nấu nướng tại các gia đình hội viên, rồi chuyển đến tặng các anh chị em làm nhiệm vụ ở Trung tâm Y tế. Như vậy, vừa bảo đảm an toàn, chất lượng vệ sinh thực phẩm, vừa phát huy được sở trường của chị em. Tôi bàn với các chị em khác trong Hội và được mọi người đều ủng hộ. Thế là chúng tôi triển khai ngay".

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội LHPN đề nghị Phòng Kinh tế quận Ba Đình cung cấp danh sách những cửa hàng thực phẩm an toàn để chị em đi chợ. Trung tâm Y tế quận cung cấp số lượng suất ăn, sau đó, các chị sẽ lên thực đơn sao cho cân đối nhu cầu dinh dưỡng. Hằng ngày, chị em kết nối thông tin qua các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội để bàn bạc, hạn chế gặp mặt trực tiếp. Thông tin về mô hình bếp ăn gia đình được công bố, Hội LHPN các phường trên địa bàn đua nhau đăng ký. Do đó, Hội LHPN quận Ba Đình quyết định hình thức mỗi phường luân phiên chuẩn bị suất ăn trong một tuần. Tuần đầu tiên do Hội Phụ nữ phường Liễu Giai thực hiện, tuần tiếp theo là phường Vĩnh Phúc, rồi đến phường Ngọc Hà... Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, Đinh Thị Phương Liên chia sẻ: "Thành thực mà nói, chúng tôi không muốn số lượng suất ăn tăng lên. Vì nếu tăng lên, nghĩa là dịch bệnh căng thẳng, phải huy động thêm người phục vụ tuyến đầu. Nhưng chị em đã lên phương án sẵn sàng cho hàng trăm suất ăn mỗi ngày nếu có nhu cầu. Với cách thức tổ chức hiện nay, chúng tôi huy động được nguồn lực để bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ trường kỳ".

Nhận những suất ăn của Hội LHPN quận Ba Đình, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai xúc động cho biết: "Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của các cô, các bác qua những suất ăn, giống như chúng tôi được người thân trong gia đình chăm sóc". Mô hình "Bữa ăn ấm tình" là cách làm có thể nhân rộng để hỗ trợ những người trên tuyến đầu chống dịch.