Những ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng

NDO - Với sự năng động và muốn được cống hiến, sinh viên Thủ đô không ngừng sáng tạo các hoạt động hướng đến cộng đồng. Nhiều dự án được áp dụng trong thực tiễn mang lại giá trị tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện dự án “Rule 901”nhận Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Đại diện dự án “Rule 901”nhận Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Với thông điệp mạng là ảo nhưng luật là thật, Rule 901-một dự án sáng tạo được Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp Hội Sinh viên Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai nhằm tuyên truyền sâu rộng trong sinh viên và xã hội về pháp luật; qua đó trang bị cho các bạn trẻ kỹ năng giải quyết tình huống, điều chỉnh hành vi, ứng xử văn minh trên không gian mạng.

Dự án gồm năm hoạt động, trong đó có một hoạt động truyền thông, một cuộc thi, hai buổi thảo luận (workshop) trực tuyến và biên soạn, phát hành một cẩm nang. Cuộc thi “Sáng tạo video, clip tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng” nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của sinh viên trong và ngoài nhà trường với 64 đội tham dự.

Workshop “Quyền tác giả trên không gian mạng” cũng đã mang đến cho người xem những kiến thức cần thiết về: Quyền tác giả; cách thức bảo vệ quyền tác giả; cách ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên không gian mạng. Bên cạnh đó, workshop “Ứng xử trên không gian mạng” đã nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên. Bằng những chia sẻ, kinh nghiệm chuyên sâu của các diễn giả, workshop đem đến cho các bạn trẻ kiến thức bổ ích về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, từ đó, sinh viên được nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, nhất là ứng xử trên không gian mạng.

Ngoài các cuộc thi, workshop trực tuyến, các thành viên dự án còn cho ra đời cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội Gen Z”. Theo các bạn trẻ, Gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng từ năm 1997-2012) là những công dân của thời đại số hóa, gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin. Chính vì được tiếp cận với internet và các thiết bị công nghệ từ sớm, Gen Z dễ bị ảnh hưởng và tác động bởi những hành vi ứng xử trên không gian mạng.

Giữa không gian mạng đầy rẫy những thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin chưa được kiểm chứng, việc hành xử khi chưa đủ cơ sở thông tin chính là tác nhân gây nên những hậu quả không đáng có. Vì vậy, cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho Gen Z” ra đời chính là hành trang hỗ trợ các bạn trẻ vững vàng khi sử dụng mạng xã hội.

Anh Nguyễn Kim Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Sau thời gian triển khai dự án Rule 901 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sinh viên. Dự án mang đến một hệ thống kiến thức cơ bản, khái lược nhất về pháp luật trên không gian mạng rất bổ ích và cần thiết; phù hợp với mọi sinh viên, đa dạng các chuyên ngành đều có thể theo dõi và tiếp nhận thông tin, kiến thức một cách dễ dàng”.

Cũng với mục tiêu hướng đến cộng đồng, dự án CyberKid Vietnam được nhóm sinh viên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trên không gian mạng và trang bị năng lực số cho thanh, thiếu niên. Các thành viên dự án đã thực hiện một cuộc nghiên cứu xã hội học trên hơn 1.000 trẻ em và ghi nhận hơn 65% số trẻ em được phỏng vấn đã trả lời nếu có sự cố xảy ra trên không gian mạng thì các em sẽ không chia sẻ với bố mẹ hay người lớn.

Thực tế cho thấy, rất nhiều em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm gặp phải, cho nên coi đó là việc bình thường. Cũng có thể các em quá sợ hãi và ngại ngùng để chia sẻ vấn đề với người khác, nhất là liên quan đến môi trường mạng như: Lừa đảo, xâm hại tình dục, bạo lực... Đó đều là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến tâm lý mà trẻ không biết cách phải diễn đạt như thế nào. Dự án CyberKid đã phối hợp với các nhà trường, tổ chức được hơn 500 lớp học an ninh mạng trực tiếp cho hơn 16 nghìn trẻ em trên khắp 20 tỉnh, thành phố. Trong chiến lược mục tiêu tương lai, CyberKid hướng tới việc nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn mạng cho hơn 24 triệu trẻ em trên toàn lãnh thổ Việt Nam, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.