Trái ngọt Khánh Sơn

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 100 cây số về phía tây nam. Đường đèo lên Khánh Sơn giờ đã dễ đi hơn trước nhiều. Nhiều anh em cán bộ từ Cam Ranh chạy xe máy lên công tác Khánh Sơn mất chỉ hơn một giờ.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng trái cây tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn.
Một gian hàng trái cây tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn.

Lên Thành Sơn, xã xa nhất của huyện Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm hai cây di sản của Khánh Sơn, tại thôn Apa 2. Đó là hai cây dầu rái có chu vi phải đến bốn, năm người ôm, tuổi đã trên 300 năm. Già làng Cao Xà Buôn cho biết, trước đây có nhiều người đến đây định khai thác, cưa hai cây dầu làm gỗ nhưng ông và dân làng kiên quyết giữ lại. Từ đó, ông thường xuyên nhắc nhở dân làng phải đặc biệt chú ý bảo vệ hai cây dầu rái này, xem như bảo vật của thiên nhiên ban tặng, cũng là biểu tượng của rừng núi Khánh Sơn.

Theo báo cáo của huyện, cũng tại xã Thành Sơn, cuối năm 2003, đập nước Apa1 hoàn thành, ngăn sông Tô Hạp lấy nước cấp cho gần 20 ha ruộng lúa nước đầu tiên của Thành Sơn, cũng là của Khánh Sơn. Có thể, ở những nơi khác, con số diện tích cũng như sản lượng lúa nước của Khánh Sơn hồi đó là không đáng kể, nhưng nếu được tận mắt nhìn thấy hình ảnh đồng bào rất vất vả cuốc đất vỡ hoang, tập cày cuốc, tập gieo sạ… mới thấy hết giá trị của con số ấy.

Huyện đã xây dựng hẳn một chương trình phát triển cây lúa nước và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó có việc thành lập một lực lượng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào làm ruộng, trồng cây lúa nước. Nhờ đó, từ chỗ không có ruộng, hàng trăm hộ dân Khánh Sơn đã biết trồng lúa nước.

Trong ký ức người dân Khánh Sơn, chỉ mới đây thôi, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn quen tập quán du canh, du cư, phá rừng làm rẫy; triệt hạ dần những cánh rừng rộng lớn để đổi lấy cái ăn cho nên đói rét, ốm đau luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Bí thư Huyện ủy Mấu Thái Cư, người con của đồng bào dân tộc Raglai tỏ ra rất tâm đắc trong câu chuyện chuyển đổi nhận thức, tư duy trong cách làm ăn, sinh sống của đồng bào mình.

Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh, du cư, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư, biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Điều đáng quý là sản xuất nông nghiệp đã khai thác được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mía tím… đã thay thế dần các loại cây trồng cũ; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 8%/năm.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác cho rằng, cái được lớn nhất trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa chính là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đồng bào về tập quán canh tác, lối sống. Ông nhớ lại: Những năm đầu thập niên 1990, huyện Khánh Sơn cứ trăn trở mãi với câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực.

Tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mua hơn 1.000 cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái Lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện.

Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho nhiều trái và trái lớn, được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng chuyên canh trên cả nước. Từ năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Sầu riêng Khánh Sơn, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Hiện sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn đang được ưa chuộng trên thị trường, và trở thành đặc sản của vùng đất này.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp. Trước đây, cả nhà anh Khá đi làm thuê, đầu tắt mặt tối mà không đủ gạo nấu. Làm thuê cho những nhà vườn trồng sầu riêng, anh để ý cách thức chăm sóc cây rồi mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây sầu riêng. Ban ngày làm thuê, tối về vợ chồng gánh nước tưới. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn sầu riêng của anh phát triển rất tốt.

Đến nay, anh Khá đã có hơn 1,5 ha đất trồng sầu riêng. Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình anh còn lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Bo Bo Khá chia sẻ rằng không muốn mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà đang cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm. Câu chuyện của anh Khá làm chúng tôi bất ngờ bởi trước đây không lâu, gia đình anh vẫn còn lên rừng phát, đốt, chọc, tỉa; nay đã biết làm cái khoa học, tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng của gia đình mình.

Đến nay, toàn huyện Khánh Sơn đã có hơn 2.000 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 12.000 tấn. Trong định hướng phát triển, huyện Khánh Sơn xác định cây sầu riêng là chủ lực trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên. Cùng với đó, địa phương tiếp tục các hoạt động quảng bá thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn như duy trì Lễ hội trái cây Khánh Sơn 2 năm/lần; Hội chợ nông sản Khánh Sơn 2 năm/lần; hỗ trợ hộ cá nhân, doanh nghiệp tham gia các hội chợ hàng nông sản tổ chức trong và ngoài tỉnh…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận cho biết, huyện, các phòng chuyên môn cũng như những hộ sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn bắt tay xây dựng các nhóm giải pháp để ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện đang có hướng tổ chức cho các nhà làm vườn liên kết với nhau, thành lập hội những người trồng sầu riêng Khánh Sơn nhằm xây dựng những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu; đồng thời, nghiên cứu hướng mở rộng xuất khẩu cho sản phẩm.