Thúc đẩy thế mạnh của vùng đất
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung nhập ngũ vào ngày 9/4/1968 tại Sư đoàn 304B. Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, đầu năm 1970, ông Trung được cử đi học tại Trường sĩ quan Sơn Tây. Cuối năm đó, ông Trung trở lại chiến trường, tham gia vào tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Từng bước chân, những giọt mồ hôi và cả máu của ông Trung cùng đồng đội đã hòa vào núi rừng. Năm 1977, ông Trung được chuyển đến Lữ đoàn 532 đóng tại Đà Nẵng. Đây là dấu mốc đưa ông cùng gia đình quyết định chọn Đà Nẵng là nơi an cư lâu dài cho đến hôm nay.
Giai đoạn 1984-1991, gia đình ông Trung sống ở khu vực trung tâm, đông đúc dân cư. Tuy nhiên, là một người từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc giữa đại ngàn Trường Sơn, nỗi nhớ cây rừng thôi thúc ông Trung đưa ra một quyết định táo bạo. Năm 1992, cựu binh Nguyễn Văn Trung dời nhà lên vùng núi xã Hòa Bắc để lập nghiệp.
"Từ hồi còn trẻ, bản thân tôi đã yêu thiên nhiên, thích sản xuất trồng trọt. Xem địa thế Hòa Bắc vào năm 1992, tôi nhìn thấy ở nơi đây tiềm năng làm trang trại theo kiểu kết hợp vườn-ao-chuồng", ông Trung nói. Đến nay đã tròn 32 năm gia đình ông Trung gắn bó với vùng đất mới và đồng bào Cơ Tu. Ông Trung cho rằng bản thân rất thích mặc lên người chiếc áo truyền thống của người Cơ Tu. Đó như là niềm tin và động lực để ông lao động, cùng đóng góp sức mình xây dựng quê hương mới.
Lần đầu tiên đặt chân đến giữa rừng núi hoang vu, rậm rạp, tài sản của gia đình ông Trung chỉ có chiếc xe máy cày, nông cụ, xăng dầu, ít lương thực… Tất cả chỉ để khai hoang, sản xuất. Thời điểm đó, một số người cho rằng ông đang tự chọn lối đi ngược đời, sẽ khó nhọc. Đất nước đang trong giai đoạn đổi mới sau chiến tranh, cuộc sống ở phố xá sẽ thuận tiện hơn về mọi mặt, từ lao động đến học tập sẽ tốt hơn. Dời nhà lên núi là đi vào ngõ cụt... Dù vậy, người cựu binh này vẫn giữ vững ý chí quyết tâm, đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.
"Khi lên Hòa Bắc, tôi vừa bước qua tuổi 42. Ai cũng bảo tôi phiêu lưu, mạo hiểm, dám đánh cược cả tương lai gia đình vào cuộc chơi… núi rừng", ông Trung nhớ lại.
Vùng núi phía nam dãy Bạch Mã là một nơi xa lạ, đầy khắc nghiệt nhưng cũng chứa đựng muôn vàn giá trị đang chờ đón ông Nguyễn Văn Trung. Hòa Bắc có thảm rừng nguyên sinh, cây lâu năm bạt ngàn. Ông Trung đã sáng suốt chọn cách làm giữ rừng và "trồng tương lai". Nhớ lại ký ức chiến đấu cùng đồng đội khi được cánh rừng Trường Sơn che chở, ông Trung càng thêm yêu miền đất mới này.
Chiếc máy cày giúp sức rất lớn cho quá trình xới đất, lấy mặt bằng trồng nông sản, cây lương thực cho gia đình ông. Điều kiện thổ nhưỡng đáp ứng tốt cho cây lúa, cây sắn sinh sôi. Gà vịt, gia súc có nguồn thức ăn, sinh trưởng tốt. Với chiếc máy cày, ông Trung cải tạo 10 ha đất, đủ để canh tác, tạo ra nguồn lương thực.
Điều người đàn ông này mãn nguyện nhất là đã đưa gia đình vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, các con được học hành đến nơi đến chốn. Đồng thời, khu trang trại tạo công việc cho 10 lao động tại địa phương trong suốt 10 năm đằng đẵng. Tinh thần quyết tâm trong cả thời chiến lẫn thời bình đều có trong suy nghĩ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung.
Người đi đầu
Tại xã Hòa Bắc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung đang đảm nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ gồm Phó ban Công tác Mặt trận-Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tà Lang; thành viên sáng lập điểm du lịch thôn Tà Lang-Giàn Bí; Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm…
Ở mỗi vai trò, ông Trung đều tập trung thực hiện nhiệm vụ, sáng tạo trong cách làm nhằm đạt tối đa các mục tiêu đã đề ra. Đơn cử, từ khi xã Hòa Bắc phát triển du lịch cộng đồng, chính ông Trung cùng người dân tại thôn Tà Lang tự đánh giá năng lực của nơi mình sống trước khi đón khách.
"Khoảng 5 năm trước, điều kiện đời sống trong thôn Tà Lang còn nhiều bất cập. Trước khi tổ chức đón khách đến lưu trú, tôi đi khảo sát thì phát hiện vấn đề nơi ngủ nghỉ, khu vệ sinh, nguồn nước sạch vẫn còn thiếu thốn. Đây là điều gây khó cho du lịch cộng đồng. Trước mắt, tư tưởng của cán bộ và người dân phải hiểu là cần có những giải pháp rất cụ thể", ông Trung nói.
Trong các lần dự họp tiếp xúc cử tri, ông Trung đề cập đến việc cho người dân vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất đón khách lưu trú qua đêm. Từ khi đề xuất đó được thông qua, các hộ dân thôn Tà Lang làm hồ sơ vay số vốn 20 triệu đồng/hộ. Ông Trung nhận ra nguồn vốn vay nếu được dùng hiệu quả sẽ tạo ra tương lai tốt đẹp cho người dân. Chính ông gợi mở và hướng dẫn bà con trong thôn tiếp cận nguồn vốn vay từ 50-100 triệu đồng/hộ để trồng rừng, nuôi gia súc, nuôi ong, đào ao cá… thời hạn trả là 10 năm.
Một điều hay khác là câu chuyện giữ rừng, tạo mảng xanh ngày càng xuất hiện nhiều trong mỗi lần họp thôn. Hoạt động du lịch đến với thôn Tà Lang nói riêng và xã Hòa Bắc nói chung đã mang theo những bài học về lâm nghiệp, tài nguyên thiên nhiên. Du lịch cộng đồng và nguồn vốn vay hiệu quả đã tạo ra bộ mặt hoàn toàn mới cho đời sống đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Lang.
Xuất phát từ những suy nghĩ, việc làm tiên phong của vị cựu chiến binh U80 này, nhận thức của người dân ở thôn Tà Lang về đời sống mới đã dần khác trước. Trong rừng xanh về đến thôn làng và dưới từng mái nhà đều hình thành nên ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng. Cách nghĩ và làm của ông Nguyễn Văn Trung luôn cụ thể là vậy.