Trách nhiệm không thể thoái thác về biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các nền kinh tế phát triển phải chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong suốt chiều dài lịch sử của những nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển phải hỗ trợ hiệu quả cho các nước đang phát triển xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh: UN/Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển phải hỗ trợ hiệu quả cho các nước đang phát triển xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh: UN/Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Ông kêu gọi các nước phát triển phải hỗ trợ hiệu quả cho các nước đang phát triển xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Trách nhiệm của các nền kinh tế phát triển là rõ ràng và người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định đây không phải là sự hào phóng mà là vấn đề công lý.

Tuyên bố trên được ông Guterres đưa ra tại họp báo ở thành phố cảng Karachi, miền nam Pakistan, trong chuyến thăm các khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ, những tác động do lượng khí thải đang tăng vọt và những người đang sống trong điều kiện dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có cả những người sống ở khu vực Nam Á, có nguy cơ tử vong do ảnh hưởng của khí hậu cao gấp 15 lần. Con số đáng báo động là hiện trên thế giới có gần một nửa số người thuộc nhóm này, trong đó phần lớn là ở các nước đang phát triển.

Đại dịch Covid-19 kết hợp với biến đổi khí hậu làm gia tăng mạnh tình trạng đói nghèo trên thế giới. Trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập một cơ chế mới về xóa nợ cho các nước bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thiết lập cơ chế hoán đổi nợ, theo đó một quốc gia, thay vì trả nợ cho các chủ nợ, có thể sử dụng số tiền này để tăng cường khả năng phục hồi trước ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập, châu Phi - khu vực vốn chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo châu Phi lên tiếng rằng, châu lục này không phải là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu của cả lục địa chỉ ở mức 4%.

Tuy nhiên, châu Phi đang là một trong những nơi phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, và ước tính đến năm 2030, các ảnh hưởng của khí hậu có thể khiến các nước châu Phi thiệt hại 50 tỷ USD/năm. Hội nghị COP27 được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo châu Phi cảnh báo về một trong những thách thức lớn nhất của hành tinh hiện nay, cũng như huy động sự hỗ trợ quốc tế nhiều hơn cho quá trình phục hồi sinh thái của Lục địa Đen. COP27 cũng sẽ xem xét huy động tài chính nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất giảm phát thải khí nhà kính.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đang hối thúc các nước phát triển thực thi cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là cho châu Phi. Đến năm 2030, châu lục này sẽ cần 2.000 tỷ USD để giải quyết việc chuyển đổi năng lượng. Châu Phi kêu gọi giảm chi phí vay cho các dự án xanh, đồng thời nhấn mạnh vai trò quyết định của các tổ chức tài chính quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi cảnh báo, nhu cầu tài chính của châu Phi để ứng phó biến đổi khí hậu chưa bao giờ cao đến như vậy và châu Phi không thể chờ đợi thêm. Nhiều nước nghèo trên thế giới cũng lên tiếng yêu cầu những quốc gia giàu có và gây ô nhiễm tăng cường đầu tư vào các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, bồi thường thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu. Dự kiến đây sẽ là những chủ đề trọng tâm của COP27.

Trong khi các nước giàu nỗ lực đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon của họ thì việc hỗ trợ các nước nghèo ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng không kém và cũng là trách nhiệm không thể thoái thác của “nhà giàu”.