Châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nhưng lại ít nguồn lực để thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Vùng Sừng châu Phi và khu vực phía đông châu lục đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng khiến người dân thiếu lương thực và nước sạch, trong khi khu vực phía nam châu Phi đối mặt những trận bão nguy hiểm với tần suất ngày càng tăng.
Phát biểu tại một sự kiện có chủ đề "Hướng tới Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27): Diễn đàn khu vực châu Phi về những sáng kiến chống biến đổi khí hậu để tài trợ cho hành động khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ", Thư ký điều hành UNECA Vera Songwe nêu rõ: "Các quỹ phát triển khẩn cấp cần được cấp cho châu Phi để khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng ứng phó trên toàn châu lục".
Tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng sạch song song với phát triển kinh tế là nội dung chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia châu Phi tại COP27 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập. Liên minh châu Phi (AU) đang thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện của châu lục, mong muốn giúp hàng trăm triệu người dân châu Phi sử dụng điện và các nguồn năng lượng sạch để nấu ăn. Theo ước tính của AU, khoảng 600 triệu trong số 1,4 tỷ dân châu Phi hiện không có điện và 900 triệu người chưa được tiếp cận các nguồn nhiên liệu sạch để nấu ăn.
Theo người đứng đầu Trung tâm Chính sách Khí hậu châu Phi, ông James Murombedzi , châu Phi vốn đã phát thải ít khí CO2 hơn các nước hoặc châu lục khác, chỉ chiếm 3-4% lượng khí thải mặc dù dân số chiếm gần 17% dân số thế giới. Ðể đạt được mục tiêu đưa mức phát thải về 0, các nước cần giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khi triển khai các dự án hấp thụ khí CO2 trong khí quyển. Hiện các dự án trồng cây xanh được thực hiện khắp châu Phi như dự án tại Công viên Lufasi ở Nigeria hoặc các dự án phục hồi rừng ngập mặn của Mozambique. Tuy nhiên, đa số dự án do những nhà đầu tư tư nhân tài trợ nhằm bù đắp cho hoạt động gây ô nhiễm của họ, trong khi các chính phủ chưa đầu tư đủ kinh phí cần thiết cho các dự án lớn hấp thụ carbon.
Một số nền kinh tế lớn ở châu Phi đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, với các siêu dự án mọc lên khắp "lục địa đen" như Trạm năng lượng Mặt trời Ourzazate của Maroc, Nhà máy năng lượng Mặt trời Kom Ombo của Ai Cập, Nhà máy địa nhiệt Menengai của Kenya, trang trại gió ở Hồ Turkana và Nhà máy năng lượng Mặt trời Jasper ở Nam Phi. Trong khi đó, các nước Kenya, Nam Phi và Nigeria đang đi đầu trong các dự án quy mô nhỏ hơn như lắp đặt tấm pin mặt trời độc lập để đưa điện đến các vùng nông thôn hoặc lắp các tấm pin trên mái nhà.
AU xác định khí tự nhiên là "nhiên liệu chuyển tiếp", đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Phi, cùng với năng lượng tái tạo, hydro và năng lượng hạt nhân. Các nước Algeria, Ai Cập và Nigeria hiện dẫn đầu châu Phi về sản xuất khí đốt, trong khi các nước như Senegal, Mozambique, Tanzania và Angola đều được kỳ vọng sẽ trở thành các trung tâm sản xuất khí đốt. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ liệu có nên sử dụng khí đốt trong quá trình chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hay không. Dù khí thiên nhiên thải ra lượng khí CO2 ít hơn so với các nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt có thể cản trở nỗ lực chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Linus Mofor, cố vấn cấp cao về các vấn đề môi trường tại UNECA nhấn mạnh rằng, quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi nguồn vốn đáng kể. Vào năm 2030, châu Phi sẽ cần 2.000 tỷ USD để đạt được mục tiêu này. Người đứng đầu Bộ phận Môi trường bền vững và kinh tế xanh thuộc AU cho rằng, châu Phi có thể khởi động quá trình chuyển sang năng lượng sạch nếu nhận được hỗ trợ tài chính phù hợp tại COP27 sắp tới. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước phát triển cần có cam kết mạnh mẽ nhằm hỗ trợ châu Phi giảm khí thải và chuyển đổi năng lượng, theo đó sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng sạch có thể được triển khai.