Tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng

Trồng dược liệu dưới tán rừng không chỉ là hướng đi giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo vệ rừng nguyên sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng dược liệu dưới tán rừng giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam nâng cao thu nhập.
Trồng dược liệu dưới tán rừng giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam nâng cao thu nhập.

Để phát triển dược liệu dưới tán rừng trở thành nguồn thu nhập từ rừng cho các vùng núi, tỉnh Quảng Nam đã có Nghị quyết 09 ngày 21/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh. Chính sách này đã trợ lực, giúp đồng bào thiểu số có nguồn lực mở rộng diện tích dược liệu dưới tán rừng và vươn lên thoát nghèo nhờ rừng.

Thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Tây Giang đã phát triển mô hình trồng cây dược liệu với hai loại cây chủ lực là đẳng sâm và ba kích. Các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương giúp bà con Cơ Tu có thu nhập cao từ loại dược liệu quý này. Từ năm 2021 đến nay, huyện Tây Giang triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ri và Ch’Ơm.

Vợ chồng anh Bling Miêng thành lập Hợp tác xã nông dược và du lịch Lộc Trời ở xã Tr’Hy, huyện Tây Giang từ năm 2018. Hợp tác xã có 21 thành viên là đồng bào Cơ Tu vùng biên giới hai xã Lăng và Tr’Hy. Hai năm qua, anh mở rộng diện tích trên 15 ha ba kích trồng dưới tán rừng và kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng homestay. Giải pháp liên kết lấy ngắn nuôi dài giúp anh và bà con thu nhập và tiếp tục mở rộng vườn dược liệu.

“Bà con ở đây trước trồng keo, sắn nay chuyển dần sang trồng quế kết hợp dược liệu. Năm nay, hợp tác xã tăng thêm 5ha mới, nâng tổng diện tích gần 20 ha dược liệu. Vùng núi biên giới này hướng bền vững chỉ có dựa vào rừng, tiềm năng nhất là dược liệu dưới tán rừng cho thu nhập tăng dần theo thời gian”, anh Bling Miêng bộc bạch.

Tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng ảnh 1

Thu hoạch gừng sẻ ở xã biên giới Ga Ri, huyện Tây Giang.

Những năm trước, gia đình chị Koor Thị Dân, ở thôn A Ting, xã Ga Ri, trồng hơn một ha đẳng sâm. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch chị gặp khó khăn khi giá bấp bênh, không có nơi tiêu thụ. Khi mô hình “Cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" về xã, chị Dân cùng bà con Cơ Tu trồng sâm ở xã biên giới Ga Ri được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Trồng cây dược liệu có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý giúp gia đình chị có nguồn thu khá hơn trước. Hàng trăm hộ đồng bào Cơ Tu trong xã Ga Ri cùng được hưởng lợi từ chính sách phát triển dược liệu dưới tán rừng.

“Nhà mình vừa trồng sâm, gừng và cả bắp nữa. Có loại sâm giống 25.000 đồng, sâm trúng mùa cũng được 30.000 đồng. Sâm củ nhất có giá cao, từ 150.000-200.000 đồng. Một ngày, vài người nhổ bán cũng được 2.000.000 đồng, khi nào cần thì bán thôi”, chị Koor Thị Dân cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ri Pơ Loong Hề, mỗi năm diện tích sâm ở xã Ga Ri phát triển trên 40 ha qua các nguồn chương trình giảm nghèo, dự án liên kết, chương trình do các sở ngành của tỉnh triển khai. “Sâm bán theo củ, loại từ 4-10 củ một kg, có giá từ 80.000 200.000 đồng. Loại lớn mỗi củ một ký có giá 300.000 đồng, tăng thu nhập cho bà con”.

Ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, các chương trình khuyến khích nông dân trồng dược liệu dưới tán rừng đẳng sâm, ba kích, táo mèo, thất diệp nhất chi hoa… mở rộng trên địa bàn 10 xã biên giới. Gần 10 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác huyện Tây Giang giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Từ sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp các hợp tác xã dược liệu huyện Tây Giang đã đưa nông sản dược liệu như củ đảng sâm, ba kích, táo mèo thành thực phẩm, thuốc đa dạng.

Tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng ảnh 2

Các chính sách khuyến khích bảo tồn, phát triển cây dược liệu khác mở ra hướng đi vững cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Mạc Như Phương khẳng định, chính sách khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác đã trợ lực cho huyện miền núi nguồn kinh phí để hình thành nhiều mô hình về phát triển dược liệu. “Huyện có nhiều sản phẩm OCOP từ dược liệu như ba kích, đẳng sâm. Huyện Tây Giang có tiềm năng về lợi thế về phát triển dược liệu nên Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để trồng và phát triển dược liệu trên địa bàn”.

Nghị quyết 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác đã mở ra hướng đi vững cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Hai năm qua, tỉnh Quảng Nam đã cấp gần 28,5 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh và cây giống dược liệu phát triển diện tích trồng mới. Từ chính sách này, gần 1.700 hộ dân được hỗ trợ hơn 103.300 cây sâm Ngọc Linh; các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang đã trồng mới gần 50 ha dược liệu ba kích, chè dây, bảy lá một hoa, thổ phục linh.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500ha, diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định “Tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trình Chính phủ chương trình phát triển sâm quốc gia. Phấn đấu những năm đến cây sâm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với sâm Hàn Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, với vai trò của các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ thì chắc chắn chất lượng của củ sâm, của cây sâm càng ngày càng tốt lên và tất nhiên sản phẩm sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng”.

Với cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 tiếp tục mở ra hướng sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho người dân miền núi, khu vực biên giới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản, dược liệu từ rừng.