Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đề ra mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết đề ra, Quảng Nam đề ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025, gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thích ứng an toàn, linh hoạt; đồng thời, tiếp nối những kết quả đã được về 3 nhiệm vụ đột phá cũng nhiệm kỳ 2015-2020, giai đoạn 2020-2025 đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, nền kinh tế khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 5 năm 2020-2025, dự kiến khoảng 3,3%. Quy mô nền kinh tế năm 2025, dự kiến gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38 nghìn tỷ đồng so năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại hội thảo. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho rằng, việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược nhiệm kỳ 22 vẫn còn có một số hạn chế nhất định. Kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; hạ tầng chiến lược chưa được khai thác hiệu quả, hạ tầng chuyển đổi số còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa kịp thời đáp ứng tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo và kỹ năng tay nghề chưa cao; cơ cấu lao động chuyển dịch chưa tương xứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, các nhiệm vụ đột phá chiến lược cũng như các giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ 23 cần đáp ứng yêu cầu vừa kế thừa ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ 22 đã đề ra, gắn với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; vừa bổ sung, đổi mới, cụ thể hóa hơn, phù hợp giai đoạn phát triển mới cùng với nhận thức mới về cách tiếp cận và nội dung thực hiện. Đây là nhân tố quan trọng tạo ra sự chuyển biến, bứt phá mạnh mẽ, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Do vậy, tại hội thảo này, tỉnh Quảng Nam mong muốn nhận được những ý kiến chia sẻ chuyên sâu và tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học; đồng thời đề nghị đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tập trung thảo luận, góp ý đầy trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương của mình.
Cạnh đó, Quảng Nam cũng mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cùng các hiến kế phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam từ phía các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự hội thảo. |
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị Quảng Nam chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, Quảng Nam cần phát triển các ngành, các lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ; tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nhà khoa học đề xuất Quảng Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế đô thị biển trong tương quan liên kết và hợp tác vùng của trục đô thị động lực miền trung theo hướng Bắc Nam: Huế-Phú Bài-Chân Mây Lăng Cô-Đà Nẵng-Điện Bàn-Hội An-Tam Kỳ-Chu Lai-Dung Quất-Quảng Ngãi; khuyến khích, hỗ trợ và hợp tác hạ tầng kinh tế đô thị vùng theo hướng đông-tây.
Cạnh đó, gắn phát triển bền vững với việc bảo tồn, chỉnh trang và liên kết phát triển quần thể đô thị du lịch di sản Hội An-Điện Bàn-Mỹ Sơn-Cù Lao Chàm trong chuỗi đô thị du lịch miền trung.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu lên các giải pháp để Quảng Nam phát triển đột phá trong chuyển đổi số, đẩy mạnh tiến trình triển khai chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; phát huy vai trò nhân tố vùng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI trong phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ thêm thực tế triển khai nhiệm vụ đột phá của từng ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến tham luận của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 22 và đề xuất các nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 23; làm cơ sở xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 23.