Hướng thoát nghèo từ cây dược liệu

Với nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, Việt Nam có nhiều cây dược liệu được xếp vào loại quý, hiếm đứng tên trong bản đồ dược liệu thế giới. Bên cạnh những cây dược liệu đặc hữu, có thế mạnh như quế, hồi, cam thảo... với giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, thì cũng có nhiều cây như: kê huyết đằng, trà hoa vàng, đinh lăng, atisô... đang được nhân rộng trồng tại nhiều địa phương, giúp các hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa thu hoạch atisô ở Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh HOÀNG LIÊN)
Mùa thu hoạch atisô ở Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh HOÀNG LIÊN)

Tổng diện tích phát triển cây dược liệu cả nước là 357.178 ha, trong đó, diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là 220.178 ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày là 137.000 ha; tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài khác nhau.

Thoát nghèo nhờ cây dược liệu

Khi đề nghị giới thiệu một số mô hình trồng dược liệu trên địa bàn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) Vi Thanh Vinh dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình, hợp tác xã trồng dược liệu. Trưa hè tháng 7, cái nắng chang chang như đổ lửa nhưng cũng đỡ đi phần nào cái gay gắt khi chúng tôi bước chân vào những thảm cây xanh dược liệu.

Để đi vào sâu những khu trồng dược liệu, chúng tôi phải đi bộ một đoạn đường đất, sau trận mưa hôm trước, đường vẫn chưa khô hẳn, đất đặc quánh sền sệt lẫn mùi bùn, dưới cái nắng đổ lửa, tạo ra một mùi nồng đặc trưng của đất.

Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: Ba Chẽ là nơi có nhiều dược liệu quý, nổi bật nhất là ba kích và gần 20 năm đổ lại đây là thêm trà hoa vàng. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây keo, tuy nhiên, loại cây này mất 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch khiến kinh tế các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự định hướng, chuyển đổi, hiện nay, phần lớn bà con nơi đây đã chuyển sang trồng cây dược liệu.

Cây dược liệu chỉ trồng trong thời gian ngắn đã cho thu hoạch, giúp các hộ dân có thu nhập đều đặn và từng bước xóa nghèo bền vững. Người dân nơi đây đã trồng hàng trăm nghìn gốc ba kích, trà hoa vàng, sắp tới sẽ tiếp tục trồng thêm hàng chục héc-ta quế... giúp cho người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo một cách đáng kể. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Ba Chẽ trồng mới 517 ha cây dược liệu.

Gia đình ông Hoàng Xuân Thách, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ có gần 2 ha trà hoa vàng đã trồng được gần 20 năm. Trước đây gia đình ông Thách thuộc hộ nghèo, khi huyện Ba Chẽ phát động phong trào trồng trà hoa vàng là một trong những gia đình đầu tiên tham gia phong trào ấy. Thu nhập từ trà hoa vàng đã giúp gia đình xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập một cách ổn định.

Không chỉ ở Ba Chẽ, vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu quy mô lớn và Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... là những nơi có nhiều loài dược liệu quý, hiếm. Hiện, khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10 ha), thì riêng Tây Bắc đã có 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atisô, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số địa phương, atisô và đinh lăng là cây làm giàu của nhiều gia đình. Mỗi héc-ta atisô trong một vụ trồng có thể thu lãi xấp xỉ 100 triệu đồng nguyên phần lá, nếu tận thu thân củ, hoa 1 ha có thể thu lãi đến gần 200 triệu đồng. Mỗi héc-ta đinh lăng cho thu nhập 250 đến 300 triệu đồng/năm, riêng phần rễ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Đối với bìm bìm, cây thuốc đang dần khẳng định được vị trí của mình tại vùng đất trung du do đem lại hiệu quả cao hơn trồng các cây lương thực, cây hoa màu khác, mỗi héc-ta bìm bìm cho thu nhập 80 đến 160 triệu đồng/năm. Ở vùng thu hái rau đắng đất, thu nhập của người dân được cải thiện khi mỗi vụ thu hái (từ tháng 4 đến tháng 10), trung bình một người dân có thêm thu nhập 2 đến 3 triệu/tháng.

A Lưới, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng lại có khí hậu mát mẻ trong lành, thích hợp để trồng các cây dược liệu. Dự án vùng trồng dược liệu quý được triển khai trên diện tích 363,4 ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc với các loại dược liệu: Ba kích, bách hộ, cà gai leo, atisô, đinh lăng, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ đen...

Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu quảng bá... Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện nghèo đã vươn lên thành hộ khá, tạo nên sinh kế bền vững cho người dân.

Tổng giá trị xuất khẩu dược liệu Việt Nam ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả. Tiến tới, ngành dược liệu có thể xuất khẩu thêm một số cây dược liệu quý như: Ba kích, trà hoa vàng, atisô, cà gai leo...

Hướng thoát nghèo từ cây dược liệu ảnh 1

Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) Vi Thanh Vinh trao đổi với gia đình trồng cây trà hoa vàng. (Ảnh THANH MAI)

Cần sự kết hợp của bốn nhà

Theo ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), nước ta được đánh giá có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với hơn 5.000 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, cổ truyền, sản phẩm chăm sóc sức khỏe...

Hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100 nghìn tấn. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu thế của thế giới hiện nay. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tại nhiều vùng, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn. Phần lớn việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, ở cấp hộ gia đình; nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu còn hạn chế, thường được thương lái mua với giá cao nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng. Các hộ trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến cho hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân, hộ trồng dược liệu chưa cao.

Nhìn từ các địa phương, có thể thấy phần lớn cây dược liệu chưa được sơ chế, chế biến hoạt chất mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị mang lại chưa tương xứng. Để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp; nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học vào chế biến dược liệu thô thành sản phẩm thuốc.

Ngoài ra, giải quyết bài toán đầu ra cho dược liệu bằng cách phát triển mô hình: Gắn kết y học cổ truyền và dược liệu; dùng dược liệu tạo ra sản phẩm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, gắn với du lịch xanh... Muốn giải quyết tình trạng này, các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng mối liên kết bốn nhà thật chặt chẽ.

Theo TS Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu và chất lượng của Công ty cổ phần Traphaco, để tạo điều kiện, tăng thu nhập cho người dân, Traphaco vẫn về những vùng có dược liệu tự nhiên, dược liệu do bà con trồng để thu mua hoặc giao khoán để bà con trồng.

Từ kinh nghiệm đã và đang triển khai, Traphaco đề xuất phát triển rộng rãi và mạnh hơn nữa chuỗi giá trị dược liệu trên hình thức liên kết bốn nhà (Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-nhà nông), trong đó ưu tiên liên kết nhiều thành phần trong chuỗi. Nhà nước quy hoạch vùng nuôi trồng, chế biến, kho bãi, buôn bán dược liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm, có chính sách phát triển thị trường dược liệu, sản phẩm từ dược liệu.

Các chính sách ưu đãi sản xuất, kinh doanh dược liệu, và gìn giữ, hạn chế tác động có hại của con người đến những vùng có chứa nhiều dược liệu quý, hiếm. Cần sự tham gia nhiều hơn của nhà khoa học, từ chuyển giao khoa học công nghệ khâu giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, chiết xuất dược liệu. Về phía doanh nghiệp là tiêu thụ và hỗ trợ vốn.

Nhà nông sản xuất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Với quan điểm “Hợp tác tạo ra sức mạnh vượt trội”, các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông cần liên kết thành mạng lưới, trở thành đối tác của nhau trong tất cả các hoạt động của bốn khâu: Nghiên cứu sản phẩm-phát triển sản phẩm-sản xuất sản phẩm-phân phối sản phẩm trên thị trường.