Du lịch thay đổi để thích nghi

Du lịch Việt Nam vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài. Nhu cầu đi du lịch của người dân như chiếc lò xo bị nén hai năm nay, giờ bung mạnh khi bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Du khách khám phá động Phong Nha. (Ảnh: Giang Trung)
Du khách khám phá động Phong Nha. (Ảnh: Giang Trung)

Guồng quay của thị trường đang trở lại nhịp độ sôi động vốn có trước đây, sân bay, bãi biển nườm nượp du khách; Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt có nơi “cháy” phòng khách sạn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Một tin vui nữa là Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thời gian mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Theo đó, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến như trong thời gian thí điểm, chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Thế nhưng, niềm vui của các công ty du lịch, lữ hành không được trọn vẹn vì thị trường sau đại dịch có sự thay đổi rất nhiều, thay vì mua tour theo cách du lịch truyền thống, du khách chủ yếu đi theo nhóm nhỏ, tự mua vé máy bay, tự đặt phòng khách sạn,... Hình thức du lịch tự túc ở Việt Nam phát triển vài năm gần đây, nay càng được đẩy mạnh từ tác động của dịch Covid-19. Tín hiệu phục hồi ngành du lịch đã rõ nhưng lãnh đạo một công ty lữ hành nhận định thị trường đang ở giai đoạn “xanh vỏ, đỏ lòng”, khách tuy rất đông nhưng công ty du lịch vẫn “đói”. Hiện các công ty trông đợi nhiều vào sự trở lại của thị trường quốc tế nhưng điểm phục hồi của khách quốc tế còn xa.

Việt Nam chủ trương mở cửa trở lại từ ngày 15/3, song các thị trường quốc tế trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang hạn chế người dân đi nước ngoài. Trong khi đó, khách châu Âu thường lên kế hoạch trước từ 3 đến 6 tháng nên mùa đón khách từ thị trường châu Âu dự báo chỉ khá lên từ tháng 10. Chi phí tour vẫn đắt đỏ vì điều kiện đi lại, ăn ở của du khách chưa thể trở lại bình thường, cộng thêm chi phí phòng, chống dịch đã đẩy giá tour lên cao, chưa khuyến khích được sức mua. Cho nên, chưa kịp mừng vì thị trường khởi sắc, các công ty du lịch, lữ hành đã phải đối mặt những khó khăn mới do thị trường đã thay đổi.

Để thích nghi tình hình, các doanh nghiệp lữ hành sẽ buộc phải làm mới mình. Đó không chỉ là thay đổi sản phẩm, sáng tạo trong xây dựng tour phù hợp thị hiếu khách hàng, mà còn phải đẩy nhanh chuyển đổi số để thay đổi cách tiếp cận khách hàng, nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên,... Trước khi bước vào cao điểm hè với khách nội địa và kỳ nghỉ đông cuối năm của khách quốc tế, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ có quãng thời gian quý giá để “tập dượt”, điều chỉnh những gì cần thiết để sẵn sàng quay lại thị trường với tính chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất.