Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo ở Đồng Hỷ

Xác định tín dụng ưu đãi là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực để người dân thoát nghèo nên những năm vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi và sử dụng, phát huy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ tổ chức các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn, vào một ngày cố định để tạo thuận lợi cho người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ tổ chức các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn, vào một ngày cố định để tạo thuận lợi cho người dân.

Gia đình chị Trần Thị Mến ở xóm Na Quán, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có bảy khẩu, gồm hai bố mẹ già thường xuyên đau yếu, hai con nhỏ đi học, hai vợ chồng là lao động chính và thuộc diện hộ nghèo. Tưởng chừng cuộc sống nghèo khó đeo bám thì những năm qua, gia đình chị Mến được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đồng hành, cho vay vốn sản xuất, biết cách sử dụng, phát huy vốn vay nên đã thoát nghèo.

Chị Trần Thị Mến chia sẻ: “Ban đầu gia đình được vay 20 triệu đồng để nuôi gà, 12 triệu để đào giếng và xây nhà vệ sinh. Sử dụng nguồn vốn chăn nuôi hiệu quả, xây dựng công trình vệ sinh khang trang để cải thiện sinh hoạt, trả được vốn ngân hàng, tôi lại vay 50 triệu đồng để mua 3 con nghé, được chăm sóc tốt nên 3 con nghé phát triển nhanh, bán được giá, giúp gia đình thoát nghèo”.

“Sau đó, tôi lại vay 100 triệu đồng từ nguồn cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi 100 con lợn thịt, gần 3 nghìn con gà và ngan, trồng 7 sào ổi và hồng xiêm để phát huy nguồn lực đất đai, lao động nên thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Biểu dương thành tích sử dụng vốn tín dụng chính sách có hiệu quả, năm 2022 gia đình được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen”, chị Mến vui mừng cho biết.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ Trần Nhật Linh, những năm vừa qua, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với những chính sách ưu đãi vượt trội, hầu hết các hộ thuộc diện chính sách đều được tạo thuận lợi khi vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Để tất cả các đối tượng chính sách đều được vay vốn tín dụng ưu đãi, thời gian vừa qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn vốn. Cụ thể, vốn trung ương chuyển về, vốn huy động trên địa bàn được cấp bù lãi suất; đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, trích ngân sách tỉnh, huyện gần 17 tỷ đồng vốn ủy thác để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay giải quyết việc làm, nâng tổng số vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đến nay là 575,5 tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đến nay đạt 574,4 tỷ đồng (tăng so với hết năm 2023 là 11,4 tỷ đồng), cho tổng số 12.472 đối tượng vay. Qua đó cho thấy việc đáp ứng nhu cầu vốn vay và hấp thụ nguồn vốn của người dân, trong đó có hộ nghèo, cận cận và mới thoát nghèo là khá lớn.

Đặc biệt, các đối tượng chính sách trên địa bàn sử dụng vốn vay rất có hiệu quả, Đồng Hỷ là một trong 12 (11) đơn vị cấp huyện trong toàn quốc không có nợ quá hạn, không có tình trạng khoanh nợ.

Những năm vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đã đưa ngân hàng đến gần dân, bằng cách tổ chức giao dịch vào một ngày cố định tại các điểm giao dịch ngay tại trụ sở các xã, thị trấn để người dân thuận tiện trong việc vay vốn, trả lãi, trả vốn khi hết hạn mà không phải đi xa, mất nhiều thời gian.

“Cánh tay” nối dài của ngân hàng là 259 tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị-xã hội thành lập ở tất cả các xóm, thôn, bản, quản lý tổng số gần chín nghìn hộ vay hơn 571,4 tỷ đồng nên sâu sát thực tế, hỗ trợ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nguồn vốn được quản lý tốt.

Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ Lê Thị Thu Hà đánh giá: Tín dụng chính sách trên địa bàn huyện những năm qua, nhất là từ năm 2022 đến nay, tín dụng chính sách là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách khác thuộc chương trình được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả đã giúp giảm hơn một nghìn hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay còn 5,48% tổng số hộ và sẽ tiếp tục giảm khoảng 500 hộ nghèo, cận nghèo trong năm nay.

Đồng Hỷ là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra giá trị hàng hoá ngày càng tăng, giải quyết nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy tiến trình giảm nghèo bền vững ở địa phương trong những năm tới.