Ấn tượng nông thôn mới Thái Nguyên

Cùng với phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có những bước tiến mới, ấn tượng, số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng nhiều; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, khang trang. Đi đến đâu cũng thấy cảnh quan ngày càng đẹp, làng quê yên bình, là nơi để con em đi công tác, làm ăn xa khao khát tìm về khi có thời gian.

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế phát triển, môi trường trong lành, xã Dương Thành, huyện Phú Bình trở thành miền quê đáng sống.
Kinh tế phát triển, môi trường trong lành, xã Dương Thành, huyện Phú Bình trở thành miền quê đáng sống.

Miền quê đáng sống

Xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, huyện Phú Bình với 164 hộ gia đình, người dân có nghề nuôi ngựa bạch nổi tiếng không chỉ ở tỉnh Thái Nguyên, các sản phẩm được chế biến từ ngựa bạch là cao, giò, phổi ngựa bạch ngâm mật ong chữa ho được xếp hạng OCOP ba, bốn sao nức tiếng đối với người tiêu dùng. Với nghề nuôi ngựa bạch, trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con khác phát triển đã làm cho đời sống người dân ngày càng sung túc, xóm Phẩm 2 cơ bản không còn hộ nghèo.

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện và ý thức xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang. Nhà Văn hóa xóm Phẩm 2 rộng 270m2 và sân thể thao ở phía trước được xây dựng hết 1,2 tỷ đồng, trong đó mỗi hộ đóng 8 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng, là nơi hội họp bàn việc của làng xã, của trăm họ, là nơi vui chơi thể thao, tập và biểu diễn văn nghệ, cố kết cộng đồng.

Tại xóm Phẩm 2, đường làng, ngõ xóm được đổ bê-tông rộng rãi, hai bên đường trồng hoa, cây cảnh xanh mướt, cắt tỉa gọn gàng sạch đẹp. Môi trường xóm Phẩm 2 trong lành, không có trộm cắp, người dân đoàn kết, đùm bọc nhau sống yên vui trong những nếp nhà ngói bốn, năm gian truyền trông thật gọn gàng, bắt mắt. Trưởng xóm Dương Văn Xuân chia sẻ: “Mỗi dịp lễ Tết, nghỉ dài ngày, con em của xóm công tác, lao động, học tập ở các nơi tìm về, làng xóm trở nên nhộn nhịp, thực sự là vùng quê đáng sống”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành Nguyễn Văn Ái, từ nay đến năm 2025, tất cả các xóm đều hoàn thành xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao khang trang; đẩy mạnh phát triển sản xuất, hoàn thiện nâng cấp hạ tầng, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp, bảo vệ môi trường trong lành để thúc đấy xây dựng Dương Thành là xã nông thôn mới kiểu mẫu, làng quê thân thiện, đáng sống.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2022, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phú Bình được nâng lên bước mới với yêu cầu, chất lượng cao hơn, bền vững hơn.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan cho biết: "Nắm bắt xu thế phát triển và không bằng lòng với kết quả đã đạt được, chúng tôi tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng cả hai ban, phân công nhiệm cụ thể cho các thành viên để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí của thị xã. Thực hiện các mục tiêu này, chúng tôi xác định quy hoạch và huy động nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước".

Huyện Phú Bình chủ trương, những tuyến đường liên xã, liên xóm thì người dân hiến đất mở rộng ít nhất từ sáu mét trở lên, huyện đầu tư; đường xóm, ngõ xóm thì ngân sách, người dân đóng góp cùng làm nên chỉ tính trong hai năm 2022 và 2023, Phú Bình đã mở rộng, nâng cấp 275 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài lên đến hàng nghìn km. Nhiều địa phương, người dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan hai bên đường nhìn khang trang, sạch đẹp, trong đó có rất nhiều tuyến đường rộng 7- 8 mét trở lên, khi trở thành thị xã thì không phải đầu tư nâng cấp, giải phóng mặt bằng.

Giao thông trên địa bàn huyện Phú Bình không còn là điểm nghẽn mà thực sự đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương và cả huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Phú Bình giảm chỉ còn hơn 3%, trên địa bàn hình thành những vùng kinh tế nông nghiệp tập trung, nông sản có chất lượng, ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Bước phát triển mới

Ấn tượng nông thôn mới Thái Nguyên ảnh 1

Tỉnh Thái Nguyên phát triển chè là sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với phát triển du lịch.

Một trong những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là việc huy động nguồn lực từ người dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, vì điều kiện kinh tế người dân không đồng đều, người dân miền núi cư trú phân tán, địa hình rộng, một trong những giải pháp của tỉnh Thái Nguyên thực hiện trong nhiều năm qua là sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xi măng (năm 2024 tỉnh hỗ trợ hơn 65 nghìn tấn ximăng với giá trị gần 100 tỷ đồng) người dân đối ứng để mua cát, sỏi, thuê máy móc làm đường giao thông nông thôn. Do đó, hầu hết đường nhánh ở xóm, ngõ xóm đều đã được bê tông hóa.

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Cùng với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh huy động, gắn kết nguồn lực của địa phương tập trung đầu tư cho khu vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn và nông dân như các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao cấp xã, duy trì 8% học sinh người dân tộc thiểu số học trường nội trú... với mục tiêu xây dựng kinh tế nông nghiệp phát triển, nông thôn văn minh, giàu bản sắc và đời sống nông dân không ngừng được cải thiện”.

Với những nỗ lực không ngừng, không nghỉ, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian gần đây có bước tiến mới, đạt những kết quả ấn tượng. Đến nay có 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2024 có thêm hai huyện đạt các tiêu chí nông thôn mới đề nghị cấp thẩm quyền công nhận; toàn tỉnh có 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 3% tổng số hộ.