Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trước đây đến chợ Tân Cương, trung tâm của vùng chè Tân Cương ở thành phố Thái Nguyên thấy chè được đóng trong những bao tải lớn, bày bán la liệt. Người buôn từ nhiều tỉnh, thành phố đến thu mua, đưa lên ô-tô vận chuyển đi bán ở khắp nơi.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chia sẻ: “Phương thức kinh doanh chè như thế, những năm gần đây không còn, vì phần lớn chè được trồng, chế biến trong vùng đã theo quy trình sạch, vệ sinh thực phẩm, đóng gói chân không, mẫu mã đẹp, có thương hiệu, được thẩm định và công nhận sản phẩm OCOP nên được bán trên sàn giao dịch điện tử, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, có giá trị cao”.
Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp, các ngành, Đề án xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực của nông dân, coi trọng phát triển sản phẩm OCOP, vùng chè đặc sản Tân Cương được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã góp phần nâng tầm nông nghiệp Thái Nguyên.
Vốn được sản xuất với quy mô nông hộ nhỏ lẻ, sau đó tăng cường ứng dụng kỹ thuật, cơ quan chức năng hỗ trợ hình thành tổ hợp tác, thành lập Hợp tác xã, thành lập Chi bộ, đến nay Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương có một sản phẩm OCOP năm sao quốc gia, nhiều sản phẩm OCOP bốn, ba sao, trở thành một trong những thương hiệu chè nổi tiếng nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Hợp tác xã này đã xây dựng không gian thưởng trà, tham quan, trải nghiệm nghề trồng, chế biến, kinh doanh chè, trở thành điểm du lịch nông nghiệp cộng đồng, là điển hình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên có diện tích chè lớn nhất cả nước với khoảng 23 nghìn ha, trong đó có nhiều vùng sản xuất chè danh tiếng, sản phẩm chè được công nhận tiêu chuẩn OCOP cũng nhiều nhất, nhiều thương hiệu chè là quà tặng cho nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, đạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi, triển lãm. Qua đó, góp phần quảng bá, nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên, mang lại doanh thu hơn mười nghìn tỷ đồng/năm, cao nhất so với các sản phẩm khác và hướng tới doanh thu tỷ USD.
Theo ông Trần Nho Hưởng, đến nay Thái Nguyên có 240 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm năm sao quốc gia, 89 sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng tỉnh không chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng để sản phẩm phát triển bền vững bằng các hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các chủ thể mở rộng, củng cố vùng nguyên liệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp để có sức sống mạnh mẽ, lâu dài trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều giải pháp gắn du lịch nông thôn với sản phẩm OCOP, vùng chè, làng nghề. |
Tăng cường quảng bá, tiêu thụ
Năm 2019, Hợp tác xã Miến Việt Cường ở huyện Đồng Hỷ chưa có sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP thì doanh thu hạn chế, sau đó Miến Việt Cường được công nhận OCOP, tiếp đến là OCOP năm sao quốc gia thì doanh thu hằng năm tăng từ 15-20%/năm, đến nay đạt 50-60 tỷ đồng, vượt trội so nhiều sản phẩm miến khác.
Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba chia sẻ: “Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua, ban lãnh đạo chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư mua sắm, lắp đặt dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa để sản xuất miến với quy trình sạch, không phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và quảng bá trên các nền tảng nên không những Miến Việt Cường được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang Thái Lan, nhiều nước châu Âu”.
Cùng việc nâng cao sản lượng, chất lượng, tỉnh Thái Nguyên và các chủ thể coi trọng quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội; tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên đề sản phẩm OCOP, bày bán ở các siêu thị, điểm du lịch, điểm dừng nghỉ trên cao tốc; tất cả 9 huyện, thành phố trong tỉnh đều có không gian giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Tại 2 Trạm dừng nghỉ Hải Đăng bên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên rộng hàng nghìn m2, được thiết kế sạch đẹp, văn minh, trưng bày và bán hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dừng chân tham quan, mua hàng, tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm cho các chủ thể. Hằng năm, nhiều địa phương trong tỉnh hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng việc tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm; hỗ trợ in biển hiệu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Do đó, với sản lượng sản phẩm OCOP khá lớn, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhưng nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có nông sản tồn kho, không phải bán tháo với giá rẻ, mang lại thu nhập lớn, làm giàu cho nông dân. Cụ thể là các sản phẩm OCOP đóng góp quan trọng vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên năm 2023 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, mỗi năm tăng khoảng 4%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3.03% tổng số hộ, thúc đẩy 118/126 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.