Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm kênh, rạch

Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang là nỗi lo của TP Hồ Chí Minh mỗi khi bước vào mùa mưa bão.

Nhiều tuyến rạch ông Học, quận 12, trước đây thường sạt lở, ô nhiễm nay đã được chỉnh trang thông thoáng, sạch đẹp.
Nhiều tuyến rạch ông Học, quận 12, trước đây thường sạt lở, ô nhiễm nay đã được chỉnh trang thông thoáng, sạch đẹp.

Ngăn chặn hành vi lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch được xem là giải pháp căn cơ để chống sạt lở, phòng, chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị và giảm gánh nặng an sinh xã hội.

Sự cố tám căn nhà ven kênh Ðôi (hẻm đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8) bị sụp lún chiều ngày 17-5 khiến hai người bị thương là lời cảnh tỉnh cho tình trạng mất an toàn trên kênh, rạch. Những căn nhà nêu trên được xây dựng lấn chiếm trên hành lang kênh, rạch, có kết cấu trệt + lầu (sàn bê-tông giả + gỗ). Qua thời gian, cột chịu lực của một căn nhà mục nát, gãy đổ kéo theo những căn khác nghiêng lún xuống sông, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố có khoảng 700 con sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 900 km. Trong đó, có 106 tuyến sông, hơn 660 tuyến kênh, rạch có chức năng quan trọng tiêu thoát nước cho thành phố. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, hiện nay nhiều kênh, rạch đang bị san lấp, lấn chiếm làm tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.

Ðiển hình như tại rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Ðây là con rạch hiếm hoi của thành phố có độ sâu nhưng hiện nay đang bị "bức tử" và thu hẹp dòng chảy. Hay tuyến rạch Bùi Hữu Nghĩa cũng đang bị lấn chiếm, làm tắc nghẽn dòng chảy và gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Qua kiểm tra, đơn vị này phát hiện khoảng 3.350 nhà dân xây dựng nhà tạm trên các khu vực hành lang bảo vệ bờ sông. Những căn nhà vi phạm được doanh nghiệp, người dân xây dựng theo kiểu nhà tạm trên nền kết cấu cừ tràm, cừ dừa, cột bê-tông. Nhiều căn nhà đã xuống cấp có nguy cơ sụp đổ xuống sông, ảnh hưởng an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão.

Cụ thể, TP Thủ Ðức có bốn khu vực với khoảng 97 hộ dân vi phạm; quận 4 có một khu vực với khoảng 97 hộ dân; quận 8 có 11 khu vực với khoảng hơn 3.000 hộ dân; huyện Hóc Môn có một khu vực với khoảng bốn hộ dân; huyện Củ Chi có một khu vực với khoảng năm hộ dân; huyện Nhà Bè có một khu vực với khoảng 62 hộ dân và huyện Cần Giờ có ba khu vực với khoảng 55 hộ dân…

Lý giải về các nguyên nhân tình trạng lấn chiếm kênh, rạch còn tồn tại, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, do các hộ dân sống gần kênh, rạch khi xin cấp phép xây dựng một đằng nhưng trong quá trình xây dựng công trình đã tự ý san lấp, lấn chiếm. Ngoài ra, công tác phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên kênh, rạch còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ.

Ðể chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, mới đây Sở GTVT thành phố đề nghị UBND thành phố Thủ Ðức, quận 4, quận 8, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ... tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch. Ðồng thời, đề nghị các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ thuộc địa bàn.

Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND thành phố cần tiếp tục mở rộng phân cấp quản lý cho các địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân cùng tham gia giám sát, bảo vệ hệ thống kênh, rạch hiện có. Các ngành chức năng phối hợp chính quyền, đoàn thể thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cá nhân đang thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tăng mức phạt, kiên quyết tháo dỡ những công trình vi phạm, buộc các đơn vị, cá nhân vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng dòng chảy. Truy tố trước pháp luật những trường hợp cố tình, dây dưa, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Sở Xây dựng, biện pháp căn cơ để xử lý triệt để vi phạm hành lang kênh, rạch là thành phố nhanh chóng thực hiện đề án quy hoạch và quản lý bờ sông, kênh, rạch; yêu cầu các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án xây dựng phải chấp hành nghiêm quy định về chỉ giới hành lang bảo vệ, có trách nhiệm đóng góp kinh phí cùng Nhà nước xây bờ kè, trồng cây xanh theo thiết kế thống nhất của cơ quan quản lý, góp phần cùng thành phố chỉnh trang đô thị.

Bài và ảnh: VŨ NGUYÊN

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 23 km. Cụ thể, có 19 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí sạt lở nguy hiểm. Tất cả các vị trí này đã được lập dự án xây dựng kè, nhưng tiến độ triển khai chậm hoặc chưa thể triển khai do không giải phóng được mặt bằng.