Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở quận Bình Thạnh

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác”, Quận ủy quận Bình Thạnh mong muốn công việc này không chỉ tập trung ở chính quyền, các cơ quan, ban, ngành… mà còn lan tỏa đến tận khu phố, người dân để hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận…

Quận Bình Thạnh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh-Niềm tin tất thắng”. Ảnh tư liệu quận Bình Thạnh
Quận Bình Thạnh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh-Niềm tin tất thắng”. Ảnh tư liệu quận Bình Thạnh

Định hướng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Quận ủy quận Bình Thạnh xác định việc đầu tiên là xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Thời gian qua, quận tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng đạo đức công vụ, kịp thời giải quyết những bức xúc chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Lãnh đạo quận thường xuyên đi cơ sở, sâu sát trong từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách; lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân. Quận cũng triển khai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện tốt nguyên tắc ứng xử văn hóa, thực hiện “Nụ cười công sở”, “Biết chào, biết cười, biết xin lỗi, biết cảm ơn” khi tiếp dân; thực hiện nghiêm quy định về thư xin lỗi nhân dân khi giải quyết hồ sơ hành chính chậm trễ.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, Bình Thạnh là địa bàn triển khai rất sớm và hiệu quả các chương trình “Chuyến xe yêu thương”, “Xe gạo yêu thương”, “Tủ lạnh cộng đồng”, chương trình ATM oxy... cung ứng lương thực, thực phẩm, bình oxy miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mô hình “Đi chợ giúp dân” của Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh giúp rất nhiều hộ dân vượt qua khó khăn lúc thực hiện giãn cách xã hội.

Những năm gần đây, quận Bình Thạnh chú trọng phát triển không gian văn hóa công cộng gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Khu vực Đài tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ quận gắn với các hoạt động dâng hương tưởng niệm nhân các ngày lễ lớn, thắp nến tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Khu vực Nhà truyền thống quận gắn với nội dung triển lãm ảnh với chủ đề “50 năm vững bước theo Người”, “Thực hiện Di chúc của Bác”… để người dân tham quan. Quận tổ chức chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến tại Bia ghi công Mặt trận cầu Thị Nghè; tổ chức hai chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Sáng mãi tên Người”, “Hồ Chí Minh - Niềm tin tất thắng” và Liên hoan tiếng hát ba thế hệ quận Bình Thạnh với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 4.000 lượt nghệ sĩ, diễn viên quần chúng và hơn 7.200 lượt người tham dự.

Theo Quận ủy Bình Thạnh, điều quan trọng khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận là xây dựng không gian văn hóa gắn với cộng đồng dân cư nhằm góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng tình làng nghĩa xóm, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, đời sống nhân dân.

Làm thế nào để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường là vấn đề mà Chi bộ Trường THCS Lê Văn Tám đặt ra để thực hiện trên cơ sở những phong trào, cuộc vận động đã thực hiện trong nhiều năm qua. Theo thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, thời gian qua, trường tập trung đổi mới giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh. Nhà trường khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, tổ chức những buổi học tập ngoại khóa cho các em học sinh tham quan tìm hiểu các di tích văn hóa - lịch sử như: Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, đền thờ Hai Bà Trưng, đình Cầu Sơn, Nhà truyền thống quận... Tổ chức thăm hỏi, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ.

Trường tập trung xây dựng không gian văn hóa tại khu vực tượng đài anh Lê Văn Tám và phòng truyền thống trong khuôn viên nhà trường, tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt, kết nạp đội viên, đoàn viên để truyền đến các em truyền thống cách mạng. Nhà trường tổ chức thi đua chấm điểm về môi trường học tập trong và ngoài lớp của giáo viên và học sinh tại các khối lớp; tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các khối lớp trong các ngày lễ lớn; nghiên cứu xây dựng thư viện thông minh giúp giáo viên - học sinh tiếp cận với nguồn dữ liệu phong phú trên mạng; duy trì “Thư viện thân thiện”. Đồng thời, đổi mới các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, các chuyên đề giáo dục dưới cờ gắn với việc học tập và làm theo Bác để giáo dục cho các em biết thân thiện, thương yêu và bao dung với bạn bè; giáo dục các em truyền thống tôn sư trọng đạo, biết kính trọng, lễ phép với thầy cô…

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thạnh Võ Hoàng Phú cho biết, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Bình Thạnh cần sự chung tay góp sức không chỉ từ chính quyền, các cơ quan, ban, ngành mà còn từ mọi tập thể, cá nhân, trong các tầng lớp nhân dân. Mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố… phải thật sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Từ đó, tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và các khâu đột phá giải quyết các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong nhân dân. Đây là biểu hiện thiết thực trong học tập và làm theo Bác.

Quận sẽ tiếp tục nghiên cứu những đặc điểm chung của thành phố, đặc điểm riêng của quận để hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững…