Xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa TP Hồ Chí Minh hội nhập bền vững, thành phố đã và đang chú trọng xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh với các mô hình giáo dục hiện đại. Bước đầu, mô hình này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, là nền tảng để nhân rộng trong thời gian tới.

Trưng bày các mô hình giáo dục thông minh tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Trưng bày các mô hình giáo dục thông minh tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Những năm qua, Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã từng bước đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại để hướng đến xây dựng mô hình trường học thông minh. Nhà trường xây dựng các lớp học thông minh, mô hình phòng thực hành STEM - Robotics, thư viện thông minh và nhiều hạng mục khác. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh. Mô hình phòng thực hành STEM - Robotics của Trường THCS Nguyễn An Khương là động lực thúc đẩy sự đổi mới hoạt động dạy và học của nhà trường theo hướng giáo dục tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, giúp học sinh thể hiện sự sáng tạo, nhất là ứng dụng được các kiến thức trong lớp học để thực hành và đưa vào thực tiễn đời sống. Phòng thực hành STEM - Robotics được trang bị đầy đủ các thiết bị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo, thực hành của các em học sinh như máy vi tính, bộ dụng cụ robot, máy khoan, máy cắt, máy hàn, máy in 3D, sa bàn… Một buổi học đến với phòng thực hành STEM - Robotics, học sinh sẽ được giáo viên phụ trách hướng dẫn chi tiết về lý thuyết, gợi ý tưởng, sau đó các em sẽ trực tiếp lắp ráp robot và dùng máy tính để lập trình và cho hoạt động thử trên sa bàn. Ngoài ra, các em học sinh cũng có thể vận dụng kiến thức của các môn học công nghệ, khoa học, kỹ thuật và toán học để thực hiện các ý tưởng, tạo ra những sản phẩm mình yêu thích từ các máy móc, thiết bị tại phòng STEM - Robotics.

Sau thời gian đưa vào sử dụng các hạng mục theo mô hình trường học thông minh, nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhiều học sinh đã mạnh dạn tham gia các sân chơi, cuộc thi sáng tạo trên nền tảng công nghệ và đã mang về một số thành tích cao như đoạt một giải vô địch Robotacon quốc tế; một cúp vàng, một huy chương danh dự cuộc thi "International Youth Robot 2019" tại Hàn Quốc; giải nhất cuộc thi Robot hội trại ngày 9/1 cấp thành phố… Thầy Lê Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Khương cho biết: Việc xây dựng mô hình trường học thông minh là một trong những phương hướng cần thiết và đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho các trường học. Trường học thông minh đã và đang tạo điều kiện để Trường THCS Nguyễn An Khương tăng cường năng lực thích ứng, phát triển cân bằng trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông minh cho giáo dục đã định hình lại cảnh quan giáo dục của nhà trường bằng cách chuyển đổi nội dung và phương thức tiếp nhận, cung cấp học tập cũng như cách thức hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức, quản lý nhà trường. Thời gian tới, Trường THCS Nguyễn An Khương tiếp tục đầu tư thêm mô hình phòng học 3D, đầu tư thêm các phòng học đều có màn hình tương tác thông minh để giúp giáo viên và học sinh có những giờ dạy và học được sinh động, hiệu quả hơn.

Để tạo nguồn nhân lực cho thành phố hội nhập và vươn tầm thế giới, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó nhấn mạnh, giáo dục thông minh là xu hướng giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục. Đề án đưa ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, thành phố xây dựng hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh, kết nối cơ sở giáo dục và điều hành hoạt động giáo dục với các giải pháp công nghệ thông tin thông qua Trung tâm điều hành giáo dục thông minh của TP Hồ Chí Minh; xây dựng và tổ chức dạy học và kiểm tra thông minh; xây dựng lớp học thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng phần mềm dạy học, kho dữ liệu dạy học... Đến năm 2030, thành phố phấn đấu xây dựng chương trình dạy học hiện đại, bao gồm các nội dung giáo dục STEM, tự động hóa ứng dụng, triển khai dạy học các chương trình cơ bản về AI, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Coding (mã hóa) phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học. Xây dựng phòng thực hành thí nghiệm thông minh ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm hiện đại. Ứng dụng AI và BigData (dữ liệu lớn) xây dựng hệ thống thi, kiểm tra, khảo sát, phân tích, đánh giá kết quả bằng phần mềm; thực hiện phân tích, thống kê để điều chỉnh, cải tiến quá trình dạy học, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh phổ thông...

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, trung tâm về nhiều mặt của cả nước và khu vực. Giáo dục phổ thông của thành phố có khoảng 1.500 trường với hơn 1,7 triệu học sinh. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục phổ thông thành phố phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ hiện đại với sự phát triển đột phá của internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo AI... Đây là tiền đề quan trọng để thành phố xây dựng nền giáo dục thông minh trong thời gian tới.