Thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến

Theo thống kê, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng quan trọng trong hoạt động giao thương, xuất khẩu… rất cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trưng bày các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp bị tác động rất lớn. Ðể vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng trong bối cảnh mới. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã năng động tìm kiếm nhiều giải pháp phát triển kinh doanh hữu hiệu như: Tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiềm năng, tối ưu hóa dòng tiền và hoạt động marketing…

Trưởng phòng Huấn luyện Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Xuân Trang cho biết: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đang dần dịch chuyển sang mô hình kinh doanh trực tuyến. Ðây là một phần trong hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Thực hiện Chương trình chuyển đổi số và Ðề án Phát triển kinh tế số của Chính phủ và thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả, ITPC có nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cụ thể, mới đây ITPC phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến" với sự tham gia của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như tiếp thị số. Chương trình tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến" tập trung vào các nội dung: nền tảng kinh doanh trực tuyến và bán hàng sàn thương mại điện tử, khung hoạt động và công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến. Trong chương trình tập huấn này, các doanh nghiệp có thể được tiếp cận sâu hơn các yếu tố kỹ thuật trong thương mại điện tử thông qua hình thức hỗ trợ chuyên sâu như xây dựng kế hoạch kinh doanh online, kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu của Google, kỹ năng kinh doanh xuất khẩu trên các nền tảng sàn thương mại điện tử toàn cầu...

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển khá nhanh và ấn tượng trong giai đoạn vừa qua; tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ. Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh: Thời gian qua, những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở mọi quy mô đã liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc Covid-19 hoành hành khiến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đóng cửa, mất nguồn nhân lực vận hành, tới việc giá xăng, dầu tăng cao, bất ổn chính trị tại một số nơi trên thế giới đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, thương mại điện tử đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các doanh nghiệp muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu. Ðể thích nghi với bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm bảo đảm sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường.

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 của Việt Nam tăng tới 25,7% so với năm 2020. Còn theo số liệu của Amazon, năm 2021, đã có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) Việt Nam được bán thông qua sàn thương mại điện tử này, tăng gần 35% so với năm 2020. Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả này còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại qua môi trường trực tuyến do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các địa phương, đơn vị… đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian vừa qua. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết thêm: Những kết quả trên còn minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. Ðáng nói, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ và các hợp tác xã từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến. Nhìn vào bức tranh tổng thể trên, chúng ta có thể thấy rằng những khó khăn trong giai đoạn vừa qua không hoàn toàn chỉ đem lại tác động tiêu cực mà đâu đó đã trở thành động lực đáng kể để các doanh nghiệp xuất khẩu thông thường chuyển đổi và từng bước thành công trong môi trường thương mại điện tử. Ðể hỗ trợ cho các doanh nghiệp, sắp tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự kiến tổ chức chương trình tổng thể nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, chương trình hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021-2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến ■