Phát triển quỹ đất đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp

Trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng.

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận.
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Ðể chủ động đáp ứng nhịp độ phát triển công nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN ) của thành phố đã, đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm có thêm quỹ đất "sạch", đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp.

Nhu cầu lớn và đa dạng

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, có khoảng 90% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang hoạt động tại thành phố tham gia sản xuất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ… có quy mô vừa và nhỏ. Những DN này cần mặt bằng sản xuất có diện tích nhỏ, dao động khoảng 1.000 m² để làm nhà xưởng, nhưng khá vất vả để tìm được khu đất vừa ý.

Còn theo Chủ tịch Hội Cơ khí - Ðiện thành phố Ðỗ Phước Tống, có đến 98% số DN, trong đó, phần lớn là DN vừa và nhỏ của thành phố cũng cần quỹ đất "sạch" tại các KCX, KCN để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều khó khăn khác, các DN còn rất đau đầu khi tìm kiếm quỹ đất, mặt bằng phù hợp năng lực, quy mô sản xuất.

Trước đây, nhiều DN thường tìm đến các KCX, KCN để thuê đất đầu tư nhà xưởng sản xuất, nhưng các khu đất dành cho thuê thường có diện tích từ vài héc-ta đến vài chục héc-ta, vượt quá năng lực sản xuất lẫn khả năng tài chính của DN.

Do vậy, DN phải tìm mua hoặc thuê đất tại các khu vực vùng ven, ngoại thành để xây dựng nhà máy, nhà xưởng. Lựa chọn này gặp phải nguy cơ, rủi ro là cơ sở sản xuất sẽ buộc phải di dời sau một thời gian ngắn hoạt động trong trường hợp không phù hợp quy hoạch địa phương hoặc gây ô nhiễm môi trường, đi kèm theo đó là không đáp ứng tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ năm 2020 đến nay, nước ta nói chung và thành phố nói riêng đã thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư và sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như hưởng lợi khá nhiều từ các hiệp định thương mại tự do.

Hệ quả là nhu cầu đất phục vụ sản xuất công nghiệp đã tăng mạnh. Vì vậy, mới đây, UBND thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư các KCX, KCN nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa quỹ đất, tăng diện tích nhà xưởng cho thuê nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu đầu tư sản xuất của DN.

Không những vậy, theo Ban Quản lý các KCX, KCN thành phố (Hepza), nhu cầu mặt bằng cho sản xuất công nghiệp sẽ còn gia tăng do thành phố đang triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ở các ngành cao-su, nhựa, cơ khí, tự động hóa, chế biến lương thực, thực phẩm. Hepza được phân công nhiệm vụ chủ trì, xúc tiến công tác chuẩn bị quỹ đất để tiếp nhận những ngành công nghiệp này theo hướng bố trí theo chuyên ngành, phân bổ vào khu vực phù hợp.

Ðẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh thủ tục pháp lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến nay thành phố đã thành lập được 19 KCX, KCN (trong tổng số 23 KCX và KCN được quy hoạch đến năm 2020) với tổng diện tích 4.546 ha. Trong đó, có 17 KCX, KCN đã đi vào hoạt động với diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp đã cho thuê đạt hơn 1.830 ha trong số 2.539 ha đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

Bên cạnh đó, các KCN đã có quyết định thành lập nhưng chưa hoàn thiện pháp lý đầu tư, sử dụng đất là các KCN Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng; các KCN có trong danh mục quy hoạch KCN của thành phố nhưng chưa được thành lập là các KCN Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3, Bàu Ðưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp.

Việc quản lý, sử dụng đất tại các KCX, KCN còn nhiều khó khăn, vướng mắc về giá cho thuê đất; nộp tiền thuê đất cho Nhà nước; thủ tục miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung (diện tích đất cây xanh, giao thông, công viên…); lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về quyền của các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN thuê đất của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm… Hiện tại, thành phố còn 11 KCN chưa hoàn thành việc bồi thường, giải tỏa mặt bằng.

Trước tình hình đó, mới đây, lãnh đạo UBND thành phố đã làm việc với Hepza và các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy việc tăng thêm quỹ đất "sạch" cho sản xuất công nghiệp. Hepza cam kết sẽ tăng cường phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vấn đề về pháp lý, tài chính…, cố gắng xử lý dứt điểm trong năm nay đối với 11 KCN chưa giải tỏa xong mặt bằng.

Cùng với đó, Hepza cũng đẩy mạnh xúc tiến các thủ tục pháp lý để sớm thành lập một KCN mới có diện tích khoảng 380 ha tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Không những vậy, dự kiến thành phố sẽ dành thêm khoảng 2.000 ha đất để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp. Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Hepza) cho biết: Các DN có nhu cầu diện tích đất lớn có thể đến các KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)…

Còn những DN chỉ cần đầu tư trên diện tích đất khoảng 1.000 m² thì có thể đến các KCX Tân Thuận (quận 7), Linh Trung, Bình Chiểu (TP Thủ Ðức)… Bên cạnh đó, một số KCX, KCN đã triển khai việc đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng để cho thuê. Ðây là hướng đi rất phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng trong hoạt động sản xuất công nghiệp, vừa giúp DN giảm áp lực chi phí vận hành và thuê đất, nhất là trong bối cảnh DN đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM