Nhiều giải pháp bứt phá trong năm mới

Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua một năm gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến nền kinh tế-xã hội do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Nhằm phục hồi tốc độ phát triển vốn có, tạo nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp bứt phá trong thời gian tới.

Thành phố đề ra nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022. Trong ảnh: Một góc thành phố nhìn từ trên cao.
Thành phố đề ra nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022. Trong ảnh: Một góc thành phố nhìn từ trên cao.

Dù bị dịch Covid-19 tàn phá rất lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội nhưng năm 2022, thành phố vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dương từ 6-6,5%. Đây là một thách thức bao trùm nhưng cũng cho thấy quyết tâm rất lớn của thành phố...

Những điểm sáng trong bức tranh xám

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Từ cuối tháng 9/2021, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn. Từ đó, thành phố có nhiều hoạt động để nới lỏng và phát triển trở lại nền kinh tế-xã hội. Trong làn sóng dịch thứ tư vừa qua, thành phố đã chi hơn 12.047 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn... Theo đồng chí Phan Văn Mãi, dù dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ nhưng thành phố vẫn có nhiều điểm sáng tích vực. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, tăng 4,5% dự toán năm 2021. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỷ USD, tăng gần 38,5% tổng vốn đầu tư so cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD). Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so cùng kỳ. Hoạt động tín dụng-ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng gần 13% so cùng kỳ. Trong năm, thành phố cũng hoàn thành 14/29 chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 mà Hội đồng nhân dân thành phố đề ra. Con số này được xem là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch.

"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp" là chủ đề thành phố xây dựng cho năm 2022. Theo đó, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố đạt 6%-6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%... Đây là một thách thức bao trùm cho thành phố nhưng chúng ta sẽ quyết tâm thực hiện để đưa thành phố trở lại với vị thế và tốc độ phát triển vốn có, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Triển khai hiệu quả các giải pháp

Để vực dậy và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội, năm 2022, nhiều giải pháp trọng tâm đã được đề ra. Lãnh đạo thành phố cũng thể hiện quyết tâm cao nhất để các giải pháp này được triển khai hiệu quả, tạo đà để thành phố bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát, bảo đảm phòng, chống dịch; triển khai thực hiện chiến lược y tế và chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ về tín dụng, tổ chức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực; các chính sách về tài khóa, tín dụng đã được Quốc hội thông qua sau kỳ họp bất thường vừa qua để rà soát và sớm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp các doanh nghiệp "bị tổn thương" trong đại dịch trở lại với thương trường, nhất là nhóm ngành du lịch, công nghiệp, xuất, nhập khẩu. Thành phố cũng đặc biệt quan tâm khôi phục kinh tế dịch vụ, nhất là phục hồi các ngành du lịch; đề án phát triển ngành logistics; đề án phát triển thương mại điện tử; hoàn thành pháp lý trung tâm tài chính quốc tế. Đây là bốn ngành dịch vụ chủ yếu chiếm gần 30% GRDP của thành phố. Đối với các ngành công nghiệp, thành phố triển khai ba chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành: cơ khí-tự động hóa, cao-su-nhựa, chế biến thực phẩm; chiến lược phát triển các ngành: cơ khí-tự động hóa, cao-su-nhựa, chế biến thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang đóng góp khoảng 20% GRDP cho thành phố, cho nên sự hỗ trợ phục hồi cho các ngành này là rất cần thiết và quan trọng để phục hồi thị trường vốn bị tổn thương nặng nề trong thời gian qua. Về phát triển hạ tầng giao thông, thành phố đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, khởi công tuyến Metro số 2. Triển khai các dự án giải quyết "điểm nóng" sân bay Tân Sơn Nhất, đường cảng Cát Lái; các dự án có tính chất kết nối liên vùng...

Để các giải pháp được thực hiện hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, công tác cải cách hành chính, thúc đẩy cơ chế phối hợp nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các ngành, các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Kỳ vọng về sự phục hồi và bứt phá trong năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Nếu thành phố làm tốt những giải pháp đã đề ra thì có thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022. Thành phố yêu cầu các đơn vị, sở, ngành biến suy nghĩ, lời nói thành hành động. Trong công tác phòng, chống dịch, thành phố đã bỏ ra 200% sức lực để chiến đấu, thì giờ đây cũng phải bỏ ra 200% sức lực như thế để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Đồng chí cũng yêu cầu thành phố tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những người đứng đầu cấp ủy và các cấp cần phải gương mẫu, hành động quyết liệt, cầu thị hết lòng, hết sức để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.