Lún nghiêm trọng do khai thác nước ngầm

339 điểm quan trắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) trong 10 năm qua cho thấy, TP Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ sụt lún trung bình là 4 cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7 cm/năm. Ngoài nguyên nhân do xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, hiện tượng sụt lún ở thành phố còn có nguyên nhân rất lớn từ việc khai thác nước ngầm.

Quá nhiều giếng khoan khai thác nước ngầm tại nhà là một nguyên nhân khiến đất nền TP Hồ Chí Minh bị lún sụt nghiêm trọng. Trong ảnh: Một hộ dân ở quận Thủ Ðức tiến hành khoan giếng.
Quá nhiều giếng khoan khai thác nước ngầm tại nhà là một nguyên nhân khiến đất nền TP Hồ Chí Minh bị lún sụt nghiêm trọng. Trong ảnh: Một hộ dân ở quận Thủ Ðức tiến hành khoan giếng.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Huỳnh Thanh Nhã cho biết: "Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, làm thay đổi cấu trúc địa chất". Hiện nay, thành phố có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều trên các khu vực với tổng lượng khai thác nước ngầm là 710.000 m3/ngày, trong đó 355.000 m3/ngày do các hộ khai thác đơn lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp khai thác 225.000 m3/ngày, còn lại là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Không khó để lấy thí dụ minh họa về sự sụt lún của thành phố. Ðường Nguyễn Hữu Cảnh khi đưa vào sử dụng được một năm, tức là năm 2013, UBND thành phố đã yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Công an) kiểm định chất lượng con đường này. Quá trình kiểm định cho thấy, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún từ 5 cm đến 1m. Trải qua nhiều lần cải tạo sửa chữa thì đường Nguyễn Hữu Cảnh không những chưa thể khắc phục được tình trạng lún nứt mà còn tái diễn cảnh cứ mưa là ngập. Ngoài ra, nhiều quận, huyện khác cũng ghi nhận tình trạng sụt lún như: Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và khu vực Thanh Ða (Bình Thạnh). Vùng bến Phú Ðịnh (quận 8) là một trong những khu vực có nền đất rất yếu cho nên chỉ cần một tác động nhỏ từ các công trình xây dựng sẽ gây ra tình trạng sụt lún làm nứt nhà người dân. Những khu vực sát kênh rạch, dọc sông Sài Gòn cũng có hiện tượng sụt lún, sạt lở gây nhiều thiệt hại cho người dân. Các nghiên cứu cho thấy, thành phố có địa hình bằng phẳng và thấp, thường xuyên bị ngập do triều. Trong quá trình đô thị hóa, các quận mới và khu công nghiệp đều dùng nước ngầm như nguồn nước chính. Việc bê-tông hóa bề mặt trong quá trình xây dựng đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, ngăn quá trình thấm từ trên xuống tầng chứa nước. Kết quả tính toán từ các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bê-tông hóa đô thị và việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm hạ mực nước dưới đất trung bình 2 m mỗi năm.Với hơn 60% diện tích đất có địa hình thấp (dưới 2 m), lún mặt đất có ảnh hướng lớn với những khu vực ngập triều và làm hư hỏng các công trình trong quá trình phát triển của đô thị.

UBND thành phố đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày. Phó Tổng Giám đốc Sawaco Nguyễn Thanh Sử cho biết, theo kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng do UBND thành phố ban hành, UBND các quận, huyện là đơn vị chủ trì thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng… tại các hộ dân. Hiện, thành phố chỉ yêu cầu giảm khai thác chứ chưa cấm cho nên chính quyền chỉ có thể vận động người dân mà không thể cưỡng chế thực hiện. Hơn nữa, chưa có quy định, chế tài đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp nước máy nhưng vẫn khai thác, sử dụng nước ngầm. Triển khai việc trám, lấp giếng ngầm trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Ðắng, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Ðịnh thuộc Sawaco cho biết: Ðịa bàn Công ty phụ trách có hơn 17.000 giếng khoan thuộc các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Năm 2019, công ty vận động khoảng 2.000 hộ dân trám lấp giếng khoan và năm sau con số này sẽ là 3.000 hộ. Giai đoạn 2021 - 2025, Công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch. Trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp chi phí khoảng 1,2 triệu đồng. Khi thực hiện rộng rãi, kinh phí sẽ trích từ ngân sách thành phố.

Để có nguồn nước sạch thay thế các giếng khoan nước ngầm, đại diện Sawaco cho biết, đơn vị sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Ðức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600 nghìn m3/ngày. Sawaco cũng đặt mục tiêu giảm thất thoát nước từ 23,31% xuống còn 21,7% trong năm 2020; cam kết duy trì cấp đủ nước sạch cho người dân thành phố. Thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố quản lý, Sở đã chuẩn bị để báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác 62.860 m3/ngày.