Gỡ vướng cho đất quy hoạch khu dân cư mới, đất hỗn hợp

Hàng chục nghìn người dân có đất nằm trong quy hoạch khu dân cư mới hoặc đất hỗn hợp, không bị thu hồi đất nhưng nhiều năm vẫn không được chuyển mục đích sử dụng, tách thửa, cấp phép xây dựng... Nguyên nhân, do đồ án quy hoạch được duyệt cách đây 10 năm!

Phần lớn diện tích đất quy hoạch khu dân cư mới, đất hỗn hợp tại huyện Củ Chi chưa thể chuyển mục đích sử dụng vì vướng các quy định.
Phần lớn diện tích đất quy hoạch khu dân cư mới, đất hỗn hợp tại huyện Củ Chi chưa thể chuyển mục đích sử dụng vì vướng các quy định.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, tại địa phương có khoảng 13.500 hộ (tương đương 1.550 ha đất) trong quy hoạch dân cư xây mới và đất hỗn hợp. Phần diện tích này, theo quy định hiện hành được phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, được tách thửa và cấp phép xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, đến nay huyện Bình Chánh vẫn chưa thể giải quyết những quyền lợi này cho dân. Nguyên nhân, phần diện tích đất nêu trên dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp đồ án quy hoạch xây dựng huyện đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt vào năm 2012. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng còn nhiều đồ án quy hoạch được duyệt từ năm 1997, đến nay gần 25 năm, đã lạc hậu, không còn phù hợp công tác quản lý nhà nước cũng như sự đồng thuận của người dân. Đơn cử như quy hoạch các khu chức năng khu B, C, D, E trong khu đô thị mới nam thành phố Hồ Chí Minh. Quy hoạch ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người dân, được phê duyệt từ năm 1995 nhưng đến nay vẫn chưa được xóa vì vướng quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ. Tương tự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12, Nguyễn Văn Đức cũng cho biết, địa phương cũng chưa thể cấp phép xây dựng, tách thửa hay chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân có đất trong quy hoạch khu dân cư mới và đất hỗn hợp. Bởi quy định hiện nay chỉ áp dụng cho các dự án, chứ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với đất của các hộ dân. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, quận 12 đã nhiều lần kiến nghị tách thửa, chuyển đổi mục đích 40% diện tích tổng khu đất nhưng chưa được chấp thuận. Ngoài ra, tại quận 12 còn tồn tại nhiều quy hoạch, dự án được lập ra từ nhiều năm trước nhưng lại không thể triển khai vì thiếu kinh phí, như dự án công viên cây xanh ở phường Thạnh Xuân bỏ hoang nhiều năm nay khiến người dân bức xúc trong khi quận lại đang rất thiếu đất để xây dựng trường học, bệnh viện.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, trên toàn thành phố hiện nay có khoảng 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới (tập trung chủ yếu tại thành phố Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân và ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn). Trong số này, có nhiều phần diện tích các địa phương chưa thể giải quyết các quyền lợi chính đáng cho người dân vì gặp nhiều vướng mắc như: quy hoạch chồng lấn quy hoạch, Luật Quy hoạch vướng mắc với Luật Đất đai... Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, những quy hoạch được lập cách đây nhiều năm tại các quận, huyện đã lạc hậu so với phát triển chung của thành phố. Ngoài ra, các quy hoạch còn chồng chéo, xung đột; thực hiện quy hoạch chậm... Điều này khiến người dân và cả doanh nghiệp cùng phải khổ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, không phép đang diễn ra.

Để giải quyết những vướng mắc trong các quy hoạch khu dân cư mới, đất hỗn hợp, trước đây Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn các địa phương thực hiện theo ba phương án: Đối với những quy hoạch không khả thi, phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Những khu vực quy hoạch đất hỗn hợp còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉnh trang đô thị, nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt thì đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến nhân dân, hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực và thực hiện theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Với khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới còn tính khả thi thì đề xuất kêu gọi đầu tư. Các sở, ngành và địa phương cần quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ để phát triển các khu dân cư theo định hướng đô thị mới.

Hướng dẫn thì vậy, nhưng theo phản ánh của lãnh đạo các quận, huyện, hầu như không địa phương nào thực hiện tách thửa, chuyển mục đích xây dựng được cho người dân, bởi để đánh giá dự án nào khả thi hay không khả thi không thuộc thẩm quyền của quận, huyện. Chưa kể, phần lớn diện tích đất quy hoạch khu dân cư mới hay hỗn hợp đang bị vướng với nhiều quy hoạch được phê duyệt cách đây nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ. Theo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, để giải quyết các vướng mắc, hiện nay huyện Bình Chánh đang phối hợp với Ban Quản lý khu đô thị nam thành phố Hồ Chí Minh, với các sở, ngành rà soát hiện trạng để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố hướng xử lý. Trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: Trong khi chờ tháo gỡ các vướng mắc, Ủy ban nhân dân thành phố phải nhanh chóng ban hành các chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân về đất đai, xây dựng, điều kiện sống trong khu vực quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, đề xuất chính sách giải quyết các trường hợp bất cập, chênh lệch giá bồi thường giải phóng mặt bằng giữa các khu vực, đặc biệt là đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư...