Gỡ khó cho dạy và học trực tuyến

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn 1,7 triệu học sinh (HS) tại TP Hồ Chí Minh phải học trực tuyến hơn một tháng nay. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến cũng mang lại nhiều khó khăn cho cả giáo viên, phụ huynh và HS.

Giờ học trực tuyến của học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh.ảnh: Thế Anh
Giờ học trực tuyến của học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh.ảnh: Thế Anh

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, sau thời gian các trường triển khai dạy và học trực tuyến, cả giáo viên lẫn HS đã dần bắt nhịp với phương thức học tập trên môi trường internet. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến cũng xuất hiện các khó khăn về chất lượng đường truyền, kỹ năng dạy học của giáo viên, môi trường học tập của HS…

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Để thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra thì cần môi trường dạy và học trực tiếp, có tương tác giữa giáo viên và HS, do hoàn cảnh dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay phải tổ chức dạy học trên internet và gặp một số khó khăn nhất định.

Cụ thể, môi trường học tập của HS thường bị tác động bởi những sinh hoạt của gia đình, nhiều trường hợp anh em ruột cùng học một nơi, ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu bài học. Khi tổ chức dạy học trên internet, giáo viên phải sử dụng nhiều thao tác kỹ năng trên phần mềm trực tuyến để thu hút HS học tập.

Tuy nhiên, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên không đồng đều, có những giáo viên sử dụng rất giỏi nhưng ngược lại cũng có giáo viên còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Đối với HS lớp 1, do chưa có trải nghiệm học trên môi trường internet, nhất là các kỹ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết, tính toán còn hạn chế nên gặp trở ngại khi học trực tuyến… Từ những khó khăn trên kéo theo những khó khăn trong đánh giá, kiểm tra đối với HS. Khi dạy và học trực tuyến, giáo viên cũng khó quan sát, đánh giá được tiến trình học tập, năng lực, phẩm chất của HS.

Để dạy và học trực tuyến bảo đảm chất lượng thì cần có phương pháp đánh giá nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào thiết bị, công nghệ và phương pháp sư phạm của giáo viên. Giáo viên trước hết cần hiểu về cách học trực tuyến khác với cách học trực tiếp. Người học trực tuyến có thể bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài mà giáo viên không thể kiểm soát hết.

Do vậy, cần chuẩn bị rất nhiều tình huống, công cụ hỗ trợ, và đặc biệt là giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với phụ huynh HS. Ngoài ra, giáo viên cũng cần lưu ý đến tâm lý của HS. TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn cho rằng: Quá trình tổ chức dạy và học, đánh giá trực tuyến là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh.

Do đó, thời gian đầu triển khai, cán bộ quản lý và giáo viên chưa quen, còn lúng túng với hình thức này. Nhà trường cần xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục đầy đủ, chuẩn bị tốt tài liệu giảng dạy, xây dựng các tài liệu đánh giá, kiểm tra chất lượng đối với HS. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể, có kế hoạch chi tiết, tổ chức dạy và học trực tuyến chu đáo. Ban giám hiệu nhà trường cũng cần có đội ngũ kiểm tra, đánh giá giáo viên trong dạy học trực tuyến, qua đó kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cho giáo viên khắc phục những khó khăn gặp phải.

Ông Hà Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Sin (VsionGlobal) cho biết: Sau thời gian triển khai dạy và học trực tuyến, giáo viên đang rất cần các tài nguyên học liệu điện tử như phần mềm thiết kế bài giảng trực tuyến, đa phương tiện, thí nghiệm ảo… để phục vụ công việc thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động dạy và kiểm tra đánh giá trên internet.

Các đơn vị có thể có những chính sách và kế hoạch đầu tư dài hơi cho lĩnh vực xây dựng tài nguyên học tập trực tuyến có chất lượng, phong phú, không chỉ cho thời gian trước mắt và về lâu dài, bởi tài nguyên vẫn luôn còn đó trên không gian mạng và có các chuyên gia uy tín kiểm định, đánh giá.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, phải xác định rõ phần mềm dạy và học trực tuyến không đánh giá trình độ HS, cũng như không tạo ra nội dung kiến thức cho HS. Việc đánh giá và nội dung kiến thức được thực hiện theo khung chương trình chung, phần mềm chỉ là một môi trường phi truyền thống để thực hiện việc dạy và học theo khung chương trình đó.

Tuy nhiên, nếu giáo viên áp dụng công nghệ không đúng cách hoặc người học không chuẩn bị điều kiện kỹ thuật tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả đầu ra. Do đó, giáo viên phải tạo không khí học tập thoải mái sẽ mang lại hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho HS, giúp HS yêu thích học tập, thông tin truyền tải vừa đủ kích thích HS yêu lớp học.

KHÁNH TRÌNH