Giảm thâm dụng lao động ở các ngành sản xuất công nghiệp

Để có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong những năm sắp tới, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp nhằm giảm tình trạng thâm dụng lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm. Trong đó, tập trung giải pháp đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao tại các doanh nghiệp (DN) đang sử dụng nhiều lao động.

Công nhân kỹ thuật làm việc trên dây chuyền sản xuất xúc xích tiệt trùng của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN).
Công nhân kỹ thuật làm việc trên dây chuyền sản xuất xúc xích tiệt trùng của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN).

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ở các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025 đều ở mức khá cao. Mỗi năm, ngành chế biến lương thực - thực phẩm cần bình quân từ 12.400 đến 13.200 lao động, chiếm 4% tổng nhu cầu nhân lực; lao động đã qua đào tạo chiếm 79,48%, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 8,15%. Ngành hóa chất, cao-su - nhựa cần khoảng 12.400 đến 13.200 lao động/năm, lao động đã qua đào tạo chiếm 88,82%, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 8,5%. Ngành cơ khí cần khoảng 15.500 đến 16.500 người/năm, lao động đã qua đào tạo chiếm 77,63%, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 7,55%.

Nhu cầu lao động cao hơn thuộc các ngành dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và sản phẩm liên quan, cần khoảng 21.700 đến 23.100 người/năm, chiếm khoảng 7% tổng nhu cầu nhân lực; lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 67,23%, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 3,1%. Ngành điện tử, công nghệ thông tin cần khoảng 24.800 đến 26.400 lao động hằng năm, chiếm 8% tổng nhu cầu nhân lực; lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 94,36%, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 27,34%...

Trước viễn cảnh đáng lo đó, UBND thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thâm dụng lao động tại các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu và thâm dụng lao động trên địa bàn; trong đó, tập trung giải pháp đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao tại các DN đang thâm dụng lao động. Theo đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách của thành phố trong lĩnh vực KH và CN; chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Tiếp tục khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ của các DN đang hoạt động trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành công nghiệp truyền thống. Tiến hành khảo sát, đánh giá quá trình lan tỏa công nghệ trong mối liên kết giữa các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các DN Việt Nam. Xây dựng Quy chế hình thành và sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ vốn cho các dự án sử dụng hoàn toàn công nghệ mới. Hoàn thiện Quy chế hình thành và sử dụng quỹ phát triển KH và CN của DN; tiếp tục thực hiện hoạt động xúc tiến kết nối cung - cầu công nghệ để hỗ trợ các DN tiếp cận công nghệ cao và tiến hành chuyển giao công nghệ với các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Bộ tiêu chí phát triển ngành công nghiệp thành phố để lượng hóa các chỉ tiêu về KH và CN, lao động, quản trị. Xây dựng Bộ tiêu chí xếp hạng DN để thành phố có giải thưởng, hỗ trợ xứng đáng cho các DN được xếp hạng cao. Xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ. Triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ các DN "Thương hiệu vàng" và các DN sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn theo hướng không khuyến khích đầu tư, không gia hạn thời gian hoạt động và phê duyệt các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng mới, tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng, sử dụng ít lao động. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan yêu cầu không gia hạn giấy phép đầu tư nếu DN không chuyển đổi công nghệ theo tiêu chuẩn mới.

Trong việc đào tạo nguồn nhân lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thực hiện vai trò cầu nối của mối liên kết chặt chẽ giữa các DN và cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu của DN trong xu thế hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở tám ngành, gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị DN; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị trong giai đoạn 2020 - 2035. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, huy động các chuyên gia giỏi về làm việc tại thành phố. Ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho đội ngũ lao động của thành phố nhằm giảm chi phí, giảm thời gian đào tạo lại của DN.

Cùng với đó, khảo sát tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các DN trên địa bàn và có cơ chế hỗ trợ DN đào tạo lao động mới, hoặc cung cấp dịch vụ đào tạo lao động theo nhu cầu của DN. Thành phố cũng sẽ tích cực kêu gọi, khuyến khích sự đầu tư và hợp tác của các trường đại học, dạy nghề có uy tín trong khu vực và thế giới.